Xuân Mậu Tuất 2018

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Sâu nặng một chữ “tình” với Bạc Liêu

Thứ Ba, 27/02/2018 | 10:37

Có thể là tình yêu, yêu một miền đất nơi từng đi qua, hay yêu dáng hình người con gái băng qua cuộc đời mình; nhưng chữ “tình” đó cũng có thể được hiểu là ân tình. Với Bạc Liêu, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã dành tặng những ân tình, chí ít là hơn một lần Bạc Liêu đã đi vào sáng tác âm nhạc của ông, mà toàn là những bài nhạc hay được khắp nơi biết đến…

Ông Nguyễn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu và tác giả bài viết trong một chuyến thăm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (thứ hai từ phải sang) tại nhà riêng của ông. Ảnh: H.T

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chia sẻ cảm nghĩ khi lần đầu tiếp xúc với đờn ca tài tử Nam bộ. Ảnh: T.L

1. Chúng tôi đến thăm thầy Võ Hợi - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vào một buổi chiều cuối năm. Thật mừng khi thấy thầy bình phục nhiều sau lần phẫu thuật điều trị bước đầu căn bệnh ung thư vòm họng. Thầy rót mời chúng tôi mỗi người một ly sâm linh chi, một trong những loại thuốc bồi bổ cơ thể thầy phải dùng thường xuyên kể từ bây giờ.

Thầy chậm rãi đốt một nén trầm, căn phòng chìm trong không gian tao nhã với trầm và hoa hồng, với sách và một chiếc máy tính chứa nhiều tư liệu quý của thầy. Sau khi ký tặng mỗi người một quyển sách “Đối thoại với tuổi đôi mươi”, thầy trao chúng tôi một chồng sách trên 10 quyển - toàn là những quyển hay của nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Kim Dung giữa đời tôi”, “Sông lạc đường về”, “Phía sau mặt báo”, “Xuân dược”, “Hai tuồng hát bội”, và các tuyển tập ca khúc… Thầy nói đó là sách thầy tặng cho Bạc Liêu lưu giữ. Rồi thầy sao chép từ máy tính cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý nữa liên quan đến Bạc Liêu và bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL).

Câu chuyện của chúng tôi sau đó chỉ xoay quanh chủ đề “Quốc tế hóa bản DCHL”, việc làm mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã âm thầm thực hiện cách đây hơn 5 năm: dịch thuật bản DCHL ra làm 3 thứ tiếng thông dụng nhất trên thế giới là Anh, Pháp và Quan thoại (Hoa). Ông làm những việc chứng minh cho câu nói của mình: “vẫn là người hữu ích cho đời” , và giống như việc của một người trước khi đi xa thì phải để lại cho đời vậy…

2. Sau những cuộc chuyện trò thân mật nghĩa thầy trò, tình tâm giao cùng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhiều người truyền tai nhau rằng: hình như ông ấy có một mối tình với một người con gái xứ Bạc Liêu! “Hình như” hay có thật, có khi không nhất thiết phải rạch ròi, phanh phui, bởi đó là chuyện ở trong lòng và thuộc về đời tư của một tâm hồn nghệ sĩ. Tôi trân quý cách suy nghĩ của ông, một con người tài hoa mang tâm hồn nghệ sĩ, trái tim dễ rung động nhưng luôn nghiêm khắc với chính mình để giữ chuẩn mực của một nhà giáo!

Vâng! Có một chữ “tình” rất thật là thời gian ngắn ngủi 5 năm về đứng bục giảng trên đất Bạc Liêu (từ năm 1970 - 1975), thầy giáo trẻ người Quảng Nam mang tên Võ Hợi đã khiến cho bao nhiêu người yêu mến, chữ “tình” chung đó không vơi đi, “Tình cảm thầy trò vẫn như bát nước đầy - trên 30 năm”. Và ngược lại, người nhạc sĩ xứ Quảng Nam cũng đã xem đây là quê hương thứ hai của mình.

Thời đôi mươi đó, ông đã đặt chân lên mảnh đất Bạc Liêu. Những giờ học của thầy Võ Hợi, học trò vừa học vừa làm… khán giả, tự biến mình thành kẻ hâm mộ để nghe thầy giảng về triết học, nói chuyện âm nhạc, chuyện văn chương và những câu chuyện làm người từ tâm hồn cao đẹp mà chính những học trò cảm nhận được ở thầy mình.

“Thu, hát cho người”, ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết về mối tình đầu đời của ông đã trở thành một bài “hit” của các học trò thuở ấy. Học trò của thầy ở Bạc Liêu giờ đã là những người quá tuổi trung niên, mà hễ gặp nhau là nhắc đến thầy Võ Hợi với rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc…

3. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết riêng cho Bạc Liêu hai ca khúc được khắp nơi biết đến: “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” và “Trở lại Bạc Liêu”.

Thường thì khi viết về quê hương, con người ở một xứ sở nào đó, tất nhiên văn nghệ sĩ luôn ưu ái dùng những mỹ từ thể hiện tình cảm chứa chan. Tôi cho rằng, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển không quá chọn lựa chỉn chu ca từ, mà vẫn có hai ca khúc đẹp và ngọt đến vô cùng về miền đất Bạc Liêu! Những lớp học trò thời học thầy Võ Hợi cách đây gần 50 năm, chắc chắn có người biết vì sao nhạc sĩ viết “Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng”. Trăng là… trăng, Nguyệt cũng là trăng… Tiếc vầng trăng hay tiếc một mối tình đã lỡ?!

Thôi thì nếu ai đã yêu nhạc Vũ Đức Sao Biển hãy cứ nghe đi, đừng thắc mắc gì nhiều. Chỉ biết rằng, những cuộc tình lỡ thường để lại những bài ca, những đoạn văn chương hay, thấm thía và nói trúng tâm can khối người.

Trong cuộc thăm hỏi như kể trên, tôi lại được hiểu thêm một chút về ca khúc khác! Các bạn đã nghe thật kỹ bài “Đau xót lý chim quyên” chưa? Này nhé, có 3 đoạn tả hình ảnh chim quyên - nhãn lồng. Đầu tiên là dẫn câu ca dao “Chim quyên ăn trái nhãn lồng”, sau đó là chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng, rồi cuối cùng là chim quyên không ăn trái nhãn lồng. Nhờ tác giả, tôi đã hiểu sự thâm thúy của bài hát khi tự ông giải thích mối quan hệ “không là tình nhân, không phải vợ chồng”. Thầy cười nhẹ tênh và nói: chỉ là thầy - trò thôi! Vậy thì “không ăn trái nhãn lồng” tôi hiểu là giải thích cho lời bộc bạch “tôi đã phải tự che giấu con người thật của mình để làm tròn chức năng của đời sư phạm” trong đoạn trích trên đây. Thật cảm ơn một vầng trăng nào đó, một nhân vật mơ hồ thánh thiện nào đó được trái nhãn lồng… thế thân, và cảm ơn thứ tình yêu trong sáng, đẹp vô ngần của người nhạc sĩ! Là tình chung hay khối tình riêng, dù chữ tình nào đi nữa thì cũng là nặng sâu nên nhạc sĩ đã gửi vào những ca khúc đầy ắp bóng dáng Bạc Liêu.

Rất nhiều người Bạc Liêu đã dành cho nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển một chữ “tình”, cũng thâm sâu như khối tình mà nhạc sĩ đã một đời đau đáu hướng về đất Bạc Liêu, người Bạc Liêu, và… vầng trăng Bạc Liêu.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.