Xuân Tân Sửu 2021
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu là tỉnh khá - phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Ðến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 là mục tiêu quan trọng được Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định. Bước vào năm mới Tân Sửu 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Ðại hội với nhiệm vụ tạo ra những đột phá ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ, đồng chí Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi trao đổi với Báo Bạc Liêu về việc hiện thực hóa mục tiêu này trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều và lãnh đạo các sở, ngành tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
PV: Một trong những đột phá giúp Bạc Liêu bứt phá và đứng vào nhóm các tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Xin đồng chí khái quát ý nghĩa và hiệu quả của chủ trương này ở nhiệm kỳ qua cũng như nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Nhiệm kỳ qua, Bạc Liêu đã xác định phát triển theo định hướng 5 “trụ cột”, gồm: (1) Phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; (2) năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí; (3) phát triển du lịch; (4) phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; (5) phát triển kinh tế biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từ đó việc triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đi vào chiều sâu hơn. Hiệu quả của chủ trương này đã góp phần vào thành công chung với sự phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt toàn bộ 20/20 chỉ tiêu trọng yếu của nhiệm kỳ; kinh tế tăng trưởng khá cao, với tốc độ bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16% và luôn nằm trong tốp 3 của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, đã tạo được đột phá trên các lĩnh vực được xác định là trụ cột nêu trên.
Cụ thể, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi tôm được đẩy mạnh, từng bước tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đã triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; xây dựng khu nuôi tôm an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hoàn thành các điều kiện, thủ tục để sớm được chứng nhận, xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các thị trường khác. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản từ 298.500 tấn năm 2015 lên 400.000 tấn năm 2020, tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,03%/năm; riêng tôm tăng từ 119.008 tấn năm 2015 lên 200.000 tấn năm 2020, tăng gần 1,7 lần so với năm 2015, gấp 1,36 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết giao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 10,94%/năm. Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo chủ động, quyết liệt và đạt kết quả vượt bậc, toàn tỉnh đã có 7/7 đơn vị cấp huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới, 49/49 xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trong lĩnh vực năng lượng, đã thu hút và phát triển thêm nhiều dự án trọng điểm mà khi triển khai sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn cho tỉnh, điển hình như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG Bạc Liêu, tổng công suất 3.200MW (đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục); Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (giai đoạn 1 và 2, quy mô công suất 99,2MW); 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW đang triển khai thi công cả trên biển lẫn trên bờ; đồng thời đang kiến nghị xin bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và hướng đến là trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL. Nhiều dự án du lịch được triển khai, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng. Tỉnh có 9 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, chiếm 21,42% toàn khu vực; có nhiều sản phẩm du lịch đã tạo thương hiệu, cho thấy du lịch Bạc Liêu đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch khu vực ĐBSCL và cả nước. Trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng lượng khách du lịch đạt 10 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 9.000 tỷ đồng.
Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về hình thức, đảm bảo sự thông suốt trong cung ứng vật tư, hàng hóa. Cơ sở vật chất thương mại - dịch vụ được tăng cường. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các trung tâm đầu mối. Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 36.736 tỷ đồng năm 2015 lên 63.429 năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 11,54%/năm. Xuất khẩu liên tục tăng, chất lượng hàng hóa ngày càng được cải thiện, có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 447,51 triệu USD năm 2015 lên 785,1 triệu USD năm 2020, tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 11,9%/năm.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng thực hiện và có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục các cấp học đều được nâng lên, nhiều năm liền kết quả thi THPT quốc gia của tỉnh nằm trong nhóm 10 địa phương đứng đầu của cả nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng được cải thiện. Y tế chất lượng cao được tập trung triển khai và xã hội hóa, đạt được kết quả tích cực. Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu về tim - mạch; kỹ thuật chấn thương, chỉnh hình, điều trị ung bướu đã được triển khai đạt kết quả tốt.
Kinh tế biển được tập trung đầu tư khá đồng bộ gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, với nhiều dự án kết cấu hạ tầng, các dự án điện gió, điện khí khu vực biển, khai thác du lịch tuyến biển được đẩy nhanh tiến độ; tích cực mời gọi thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo huy động tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, phát triển đội tàu khai thác đánh bắt xa bờ, các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển... được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Công tác chăm lo gia đình chính sách và người có công, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội luôn được quan tâm và triển khai quyết liệt, đạt kết quả tốt. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công, các đối tượng chính sách và cho hộ nghèo. Toàn bộ gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư và không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2020 chỉ còn dưới 0,5%, bình quân giảm hơn 3%/năm (chỉ tiêu Nghị quyết là 2%/năm). Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn - xã hội được bảo đảm, góp phần tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
PV: Mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI xác định là đến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Theo đồng chí, diện mạo một Bạc Liêu phát triển khá trong tương lai sẽ như thế nào?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030; có mức GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm cao của vùng. Theo đó, quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao và lúa chất lượng cao, gắn với liên kết chuỗi giá trị; phát triển Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại về tôm của cả nước. Lĩnh vực công nghiệp sẽ có đột phá là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ chế biến thủy hải sản; xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Nếu thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời và dự án điện khí LNG đúng như dự kiến thì thu ngân sách của tỉnh sẽ tăng cao và có khả năng đến cuối nhiệm kỳ có thể tự cân đối được ngân sách. Ngành Du lịch của tỉnh cũng phát triển, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL. Tỉnh cũng tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án kinh tế động lực đã xác định; phát triển đô thị và hạ tầng đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; xây dựng, phát triển các mô hình y tế chất lượng cao.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: M.Đ
PV: Đâu là giải pháp để đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Thời gian qua tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Thời gian tới, để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, UBND tỉnh đề ra những giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Triển khai xây dựng “Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí LNG Bạc Liêu. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành Điện đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình đường dây và trạm biến áp cao thế phục vụ đấu nối các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí. Tạo mọi điều kiện để các dự án điện gió, điện mặt trời triển khai xây dựng và đưa vào vận hành khai thác. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện.
Phát triển du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch. Tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất - kinh doanh; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và công dân theo hướng tinh gọn, minh bạch, công khai.
Xây dựng mô hình y tế chất lượng cao; tập trung phát triển kỹ thuật cao cho y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; khuyến khích xã hội hóa trong phát triển y tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án y tế chất lượng cao trên địa bàn. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Tiến hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Thực hiện tốt chính sách thu hút, sử dụng, bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích tài năng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực. Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội bền vững. Gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bảo đảm mọi người đều bình đẳng, có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp năm mới, tôi hy vọng và tin tưởng rằng, tất cả chúng ta sẽ cũng nhau tiếp tục đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Mừng xuân mới, kính chúc đồng bào, chiến sĩ và cán bộ, công chức tỉnh nhà: Sức khỏe, thành công, an khang, thịnh vượng. Năm mới, thắng lợi mới!
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Lâm Anh (thực hiện)
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh