Xuân Tân Sửu 2021
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Những nhịp cầu của niềm tin
Trải qua 75 năm kể từ ngày cả nước tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (năm 1946), Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) tỉnh Bạc Liêu cũng đã có chặng đường 14 nhiệm kỳ hoạt động với những dấu ấn vô cùng đặc biệt. Những đại biểu dân cử ưu tú của Bạc Liêu được Nhân dân tín nhiệm bầu chọn, dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng đều thể hiện một bản lĩnh, trí tuệ, sự tâm huyết rất lớn, đóng góp có tính quyết định vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, của địa phương; quan trọng nhất là thỏa mãn sự kỳ vọng của Nhân dân.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân). Ảnh: H.T
Lá phiếu cho người xứng đáng
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử phổ thông bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín để Nhân dân lựa chọn bầu những người có đức, có tài ra gánh vác công việc của nước nhà. Sau đó, vào ngày 1/6/1946, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị; không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, ai từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia Tổng tuyển cử bầu người đại diện cho mình vào Quốc hội khóa I.
Giữa lúc hầu hết các tỉnh Nam Bộ lần lượt bị giặc Pháp chiếm đóng và sắp tràn đến Bạc Liêu, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã cử cán bộ về từng địa phương tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân về cuộc Tổng tuyển cử, xem đó là một cuộc vận động nâng cao dân trí, tổ chức thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Ủy ban Mặt trận Việt Minh giới thiệu đại diện đủ các giới, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nhân sĩ trí thức tham gia ứng cử. Kết quả, đã bầu được 3 đại biểu ưu tú, trong đó có Cao Triều Phát, một nhân sĩ trí thức tôn giáo đặc biệt, đã từ bỏ tất cả điền sản để đi theo cách mạng. Ông đã tự giác hiến 6.000 mẫu ruộng của riêng mình ở Vĩnh Châu (nay thuộc địa giới hành chính tỉnh Sóc Trăng) để cách mạng chia và cấp cho dân nghèo. Ông cũng từng chỉ huy trận đánh Giồng Bốm ngày 15/4/1945 được Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu ghi nhận là trận đánh lớn nhất của Cao đài Hậu Giang trong kháng chiến chống Pháp. Ông được Quốc hội khóa I bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, tham gia Đoàn Chủ tịch các phiên họp để điều hành Quốc hội.
Cũng tham gia Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu khóa đầu tiên, bà Ngô Thị Huệ là nữ đại biểu đầu tiên của tỉnh và có 25 năm liên tục (từ khóa I, năm 1946 đến hết khóa III, năm 1971) là ĐBQH tỉnh Bạc Liêu. Người con gái Ngô Thị Huệ lúc ấy đã từng trăn trở rằng 27 tuổi đời thì liệu có gánh vác nổi trách nhiệm ĐBQH không? Nhưng trong những ngày đi tuyên truyền vận động cho Tổng tuyển cử, tận mắt thấy tai nghe nỗi khổ của đồng bào, nhất là lần bà xuống tận vùng đốt than Năm Căn, được tiếp xúc với hàng ngàn thợ lò trong bộ quần áo bằng bố tời, mặt mũi đen trùi trũi, chỉ còn nhìn thấy đôi mắt, chăm chú lắng nghe lần đầu tiên trong đời về cuộc bầu cử một Quốc hội để lập chính quyền kháng chiến giành độc lập và mưu cầu hạnh phúc cho dân. Chính từ đó đã tạo động lực cho bà Ngô Thị Huệ hoàn thành sứ mệnh của một đại biểu dân cử vì sự kỳ vọng của Nhân dân.
ĐBQH Lê Tấn Tới và ĐBQH Trần Thị Hoa Ry gặp gỡ, trao đổi với cử tri TP. Bạc Liêu.
Vì nguyện vọng cử tri - càng thêm bản lĩnh
Nhìn về lịch sử sau 14 khóa của Quốc hội Việt Nam, những đại biểu dân cử tỉnh Bạc Liêu thời nào cũng vậy, đều luôn có một trái tim nhạy cảm, gần gũi để hòa nhịp với niềm vui, hạnh phúc hay những âu lo, trăn trở... của người dân. Họ luôn đồng hành cùng bức xúc, khó khăn của Nhân dân để từ đó mạnh dạn kiến nghị nhằm mang lại những quyết sách kịp thời, hợp lòng dân.
Xuất thân từ người đứng đầu của ngành Công an tỉnh, ĐBQH Lê Tấn Tới tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thẳng thắn nêu ra những bất cập và hiểm họa khó lường từ các tệ nạn xã hội, đồng thời mạnh dạn đưa ra những đề xuất cụ thể: Sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp quản lý biên giới, cửa khẩu của các cơ quan chức năng cần có quy định trách nhiệm rõ ràng, chức năng nhiệm vụ cụ thể. Công tác cai nghiện ma túy cần phải chú trọng về hiệu quả cai nghiện và quản lý, giáo dục sau cai nghiện… Hay tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV mới đây, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry đã có ý kiến chất vấn về những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách nhằm giải quyết đất sản xuất và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình và đưa ra giải pháp giải quyết khá hợp lý.
Không chỉ dám nói lên những nguyện vọng của cử tri, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu còn trở thành “cầu nối” hiệu quả giữa tỉnh với Trung ương. Điển hình, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 này, ĐBQH tỉnh đã trực tiếp có văn bản kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Công thương đề nghị bổ sung 470MW điện gió vào quy hoạch Điện VII Quốc gia; làm việc trực tiếp với Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ sung Dự án Điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu vào quy hoạch Điện VII Quốc gia; đưa vấn đề nêu trên trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương tại Kỳ họp thứ 8; kiến nghị liên quan đến đầu tư tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau; tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Hậu Giang - Bạc Liêu đã và đang được xúc tiến…
Thực tế cho thấy, đại biểu dân cử ngày nay đã thật sự trở thành nơi gửi gắm niềm tin của bà con cử tri. Không chờ đợi tới đợt tiếp xúc cử tri để truyền đạt nguyện vọng, kiến nghị hay bức xúc bản thân mà thời gian gần đây, bà con cử tri còn thường xuyên đến tận nơi để gặp hay trực tiếp điện thoại để góp ý, gửi gắm. Các đại biểu dân cử Bạc Liêu đã và đang làm theo đúng phong cách giản dị mà vô cùng hiệu quả của Bác: gần gũi dân, lắng nghe dân, nói dân hiểu, làm dân tin. Đây cũng chính là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để đại biểu đến được với niềm tin của cử tri, xứng đáng với sự kỳ vọng của Nhân dân.
TUYẾT THANH
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh