Y tế - Sức khỏe

Các biện pháp phòng chống bệnh dại

Thứ Hai, 25/11/2019 | 15:01

Cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cắn. Ảnh minh họa: C.K

1/ Biện pháp dự phòng

- Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe.

- Thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật, nhất là chó, mèo.

- Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc-xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.

- Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:

Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi-rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Không nên làm dập nát vết thương để tránh tình trạng vi-rút xâm nhập nhanh hơn. Tiêm vắc-xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

Sau khi rửa vết thương cần tiêm phòng dại ngay và có biện pháp dự phòng cho từng trường hợp.

Phải tiêm phòng dại ngay cho các trường hợp sau:

+ Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại.

+ Vết cắn gần thần kinh trung ương như: Thân, đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục và nhiều vết cắn.

+ Không theo dõi được con vật.

Trường hợp vết cắn, vết liếm rất nhẹ và xa thần kinh trung ương, tại thời điểm cắn, con vật vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện nghi dại thì không cần tiêm phòng. Tuy nhiên phải theo dõi con vật từ 10 - 15 ngày, trong thời gian này nếu con vật có biểu hiện không bình thường như ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt… thì phải tiêm phòng dại ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi cắn người, con vật vẫn sống bình thường thì không cần tiêm phòng.

2/ Biện pháp chống dịch

- Điều kiện và thẩm quyền công bố dịch, chống dịch và công bố hết dịch: Thực hiện theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP, ngày 9/1/2007 của Chính phủ.

- Chuyên môn: Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại thì phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì UBND cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.

+ Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.

+ Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

+ Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.

+ Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các xóm tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.

+ Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

3/ Để phòng bệnh dại

- Nuôi chó phải nhốt, xích, ra đường phải đeo rọ mõm.

- Tiêm phòng dại chó, mèo.

- Diệt hết chó chạy rông, chó hoang. Tại nơi có chó mèo dại phải diệt hết chó mèo đã tiếp xúc với con vật bị dại.

- Nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán chó mèo từ nơi có dịch sang nơi khác để hạn chế lây lan dịch.

Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong, vì thế mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh dại.

TÚ EM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.