Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng ngừa và điều trị tốt bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thứ Hai, 17/06/2019 | 15:48

Ngày Hen phế quản toàn cầu được Chương trình Khởi động hen toàn cầu (GINA) tổ chức đầu tiên vào năm 1998. Đến năm 2005, Ngày Hen phế quản toàn cầu được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Ngày Hen phế quản toàn cầu được quan tâm và tổ chức hàng năm thông qua các hoạt động giúp nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa về bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng xã hội; tăng cường công tác truyền thông, tầm soát, phát hiện sớm bệnh hen, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, quản lý và điều trị tốt bệnh hen phế quản.

Hen phế quản tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được. Điều này góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hen phế quản (Asthma) là gì?

Hen suyễn, bệnh suyễn, hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính của niêm mạc phế quản lót trong lòng ống phế quản và kèm tăng tiết dịch thuộc hệ hô hấp, trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và các thành phần chuyển hóa tế bào chết phóng thích. Quá trình viêm này gây co thắt phế quản làm người bệnh khó thở và ngạt thở, lồng ngực căng phồng ứ khí, xuất hiện phản ứng viêm quá mức ở cuống phổi, gia tăng sự tạo đờm và gây tắc nghẽn đường thở từng cơn do co thắt phế quản.

Triệu chứng hen phế quản

Bệnh hen phế quản thường xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm: Xuất hiện những cơn khó thở, thở nhanh, thở rít; ngực bị co ép, lõm khoảng liên sườn, tức ngực và ho (nặng hơn có thể người bệnh không thở được, giảm nhịp thở, ngực căng, vã mồ hôi, tím tái). Từng đợt bệnh hen phế quản tái diễn, có thể tự hồi phục hoặc do điều trị can thiệp; giữa các cơn hen, người bệnh cảm thấy bình thường nên nhiều khi bỏ qua không quan tâm tới bệnh.

Biến chứng hen phế quản

- Suy hô hấp: Người bệnh hen phế quản cấp tính hoặc ác tính thường có biến chứng này. Bệnh nhân ban đầu thấy khó thở, tím tái, đôi khi bị ngưng thở, phải dùng máy thở.

- Xẹp phổi: Xẹp phổi một hay nhiều thùy là một biến chứng thường gặp ở khoảng hơn 10% bệnh nhân hen phế quản.

- Nhiễm khuẩn phế quản: Thường xuất hiện ở những bệnh nhân hen mãn tính; các vi-rút, vi khuẩn phát triển tấn công đường mũi họng và hô hấp dưới.

- Giãn phế nang đa tiểu thùy: Khi mắc hen phế quản, sự đàn hồi của các phế nang giảm. Theo đó, khí chỉ được hít vào nhưng thở ra khó khăn khiến phổi bị tích khí (khí phế thũng) gây khó thở, tăng đờm dãi, tím tái.

- Tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi: 5% bệnh nhân hen phế quản mãn tính gặp biến chứng này. Khi các phế nang giãn rộng, phế nang có thể bị vỡ gây tràn khí, nếu tràn khí màng phổi không được cấp cứu kịp thời sẽ gây đột tử.

- Tâm phế mãn tính: Khó thở mỗi khi gắng sức, tím tái, đau hạ sườn phải, gan to.

- Ngưng hô hấp và tổn thương não: Suy hô hấp kéo dài, khiến não thiếu oxy, ngừng hoàn toàn hô hấp, ngừng tim trong các trường hợp hen nặng.

Điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng hen phế quản

Trước đây, việc điều trị triệu chứng, cắt cơn hen là phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay điều trị dự phòng là chủ yếu. Mục tiêu của điều trị dự phòng hen phế quản là giúp bệnh nhân không còn cơn hen phế quản, giảm gánh nặng cho người bệnh và giảm được đợt điều trị. Người bệnh cần kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị và điều trị dự phòng từ bác sĩ chuyên khoa. Thuốc điều trị hen phế quản chủ yếu là thuốc giãn phế quản và chống viêm, tập trung điều trị triệu chứng là chính. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh các tác nhân gây khởi phát cơn hen.

Bác sĩ Phước Nhường

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.