Y tế - Sức khỏe
CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG NGUỒN NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Nước được dùng trong các hoạt động: nông nghiệp, công nghiệp, dân dụng, giải trí và môi trường…, vì vậy mà nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống con người. Nước ngọt là nguồn tài nguyên tái tạo và hữu hạn, nước ngọt và nước sạch trên thế giới đang từng bước giảm đi, nhu cầu nước đã vượt cung ở một vài nơi trên thế giới, trong khi dân số vẫn đang tiếp tục tăng làm cho nhu cầu nước càng tăng.
Cần phân biệt nguồn nước tài nguyên và nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt: Nước tài nguyên là nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm hoặc nước mưa; còn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt là nước phải đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của con người, tức là nước sạch. Nước sạch đóng vai trò tối quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp con người duy trì cuộc sống hằng ngày, đảm bảo cho nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ...
Nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống con người. Ảnh minh họa: C.K
Thực trạng và vai trò nước sạch trong đời sống
Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Một số nguồn nước tài nguyên, trong một số trường hợp, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt như nước ngầm sâu, nước mưa…, còn lại đa số các nguồn nước cần phải được xử lý mới có thể trở thành nước sạch để sử dụng.
Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao, hồ đều đang bị ô nhiễm rất nặng, kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu gom để lấy nước mưa không đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần khoảng 120 lít nước/ngày. Nước sạch không chỉ là trong, không màu, không mùi, không vị mà còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được. Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh là nguyên nhân gây nên các bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E.Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả… Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng. Và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn. Đặc biệt, vào mùa mưa bão thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm rất cao.
Nhiều giải pháp cần thực hiện
Để đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch và đầy đủ, ứng phó trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần sớm có kế hoạch, chủ động thực hiện các giải pháp sau:
Đối với chính quyền các cấp, cần lập kế hoạch cụ thể chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tất cả các mối nguy hại có thể xảy ra nhằm giảm tối đa các thiệt hại về con người, môi trường và kinh tế. Kế hoạch hằng năm cần được xây dựng và phê duyệt sớm, cụ thể về nhân lực, kinh phí, phương án tùy tình huống ứng phó, khắc phục khi có các sự cố xảy ra. Thực hiện theo phương châm “Chủ động ứng phó, giảm đến mức tối đa thiệt hại” (4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cầu tại chỗ) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, phù hợp với các kịch bản xâm nhập mặn, bão lũ, thiên tai.
Bên cạnh đó, bố trí đủ nhân lực, hóa chất, trang thiết bị cần thiết cho công tác xử lý nước, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Hóa chất, trang thiết bị cần được phân phối cho các địa phương (Trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã), người dân... trước mùa lụt bão. Xác định các hoạt động cần làm trước, trong và sau khi lũ lụt đối với hộ gia đình ở tại nhà trong vùng bão, lũ lụt và tại các điểm sơ tán tập trung. Xác định phương thức can thiệp như nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân.
Còn đối với ngành Y tế, cần phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về lũ lụt thường xuyên; tổ chức các lớp tập huấn; tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; kiểm tra việc di dời các kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường công tác truyền thông, phát tờ rơi và tài liệu truyền thông; tham mưu kinh phí chuẩn bị sẵn cơ số thuốc; chuẩn bị hóa chất và tài liệu hướng dẫn xử lý nước cho cơ quan đơn vị và người dân. (Các bước xử lý nước được thực hiện theo quy trình: làm trong nước, khử trùng nước, xử lý nước sau khử trùng, sử dụng các thiết bị lọc nước, trữ nước sinh hoạt, nước ăn uống).
Các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho Nhân dân; ổn định việc cung cấp nước sạch trên mạng lưới; rà soát, phát hiện nguyên nhân gây thất thoát nước sạch đề xuất các giải pháp, biện pháp khắc phục, quản lý cụ thể, phù hợp.
Mặt khác, người dân cần nâng cao ý thức giữ vệ sinh cá nhân, gia đình và cộng đồng; giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác bừa bãi, không phóng uế nơi công cộng, không thải chất thải trực tiếp vào nguồn nước mặt mà chưa qua xử lý; thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường vì cuộc sống của mỗi chúng ta gắn liền với môi trường xanh, hành tinh xanh.
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu