Y tế - Sức khỏe

Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Thứ Sáu, 26/04/2019 | 16:32

Tuần lễ tiêm chủng được Tổ chức Y tế thế giới phát động và tổ chức hàng năm trên quy mô toàn cầu nhằm kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, mỗi người dân và các bậc cha mẹ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Tuần lễ tiêm chủng năm 2019 bắt đầu từ ngày 24 - 30/4 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

Tiêm chủng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu. Ảnh: C.K

Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng bảo vệ cơ thể tránh tác nhân gây bệnh, cơ thể được tiêm chủng đầy đủ tạo ra kháng thể phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được triển khai tại 100% các tỉnh, thành phố trên cả nước, tổ chức tiêm phòng miễn phí 10 loại vắc-xin phòng tránh 10 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em từ 0 - 36 tháng tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tạo điều kiện cho các em và bà mẹ được bảo vệ sức khỏe toàn diện, góp phần phát triển thể chất, trí tuệ. 10 vắc-xin thực hiện tiêm bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi gồm: viêm gan siêu vi B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B, sởi, viêm não Nhật Bản B và rubella. Trong đó, có hai vắc-xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan siêu vi B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc-xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh). Đối tượng tiêm 10 vắc-xin nêu trên được miễn phí hoàn toàn do ngân sách Nhà nước chi trả. Qua quá trình dài kiên trì thực hiện, những thành tựu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng sau hơn 30 năm triển khai tại Việt Nam là vô cùng to lớn, giúp bảo vệ cộng đồng tránh khỏi bệnh tật và loại trừ được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, Việt Nam đã công bố thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, khống chế bệnh sởi mắc ở tỷ lệ rất thấp, kiểm soát được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, không để dịch lớn xảy ra và bảo vệ thành công các kết quả này từ đó đến nay.

Tiêm chủng cứu sống hàng triệu người và được công nhận rộng rãi là một trong những can thiệp về sức khỏe thành công nhất và hiệu quả nhất trên thế giới. Vậy nên cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin để đảm bảo cho con được chăm sóc tốt, tránh những hối tiếc về sau. Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc-xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể, mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có phản ứng nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Khi đưa trẻ đi tiêm, cơ sở y tế sẽ khám sàng lọc trẻ cẩn thận, chỉ tiêm cho trẻ khi đúng lịch và không có chống chỉ định. Mỗi trẻ sau khi được tiêm chủng sẽ lưu lại 30 phút để theo dõi tại nơi tiêm ngừa. Phụ huynh cũng cần theo dõi sát trẻ trong vòng 24 giờ sau khi tiêm và cả ngày hôm tiếp theo.

Vì sức khỏe con em chúng ta, vì tương lai của các cháu, vì giống nòi dân tộc, hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên. Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm, ngành Y tế đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng, phòng chống dịch ở địa phương, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% ở quy mô xã/phường/thị trấn. Để làm được điều này, cần lắm sự chung tay góp sức của mọi người và toàn xã hội.

Bác sĩ Phước Nhường

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.