Y tế - Sức khỏe

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Thứ Hai, 16/12/2019 | 17:10

Có những thời điểm bùng nổ dịch sốt xuất huyết (SXH) khiến người dân hoang mang. Hiểu được đặc điểm những loại muỗi truyền bệnh SXH sẽ giúp bạn phòng chống hiệu quả.

Muỗi vằn Aedes. Ảnh: Internet

Loại muỗi truyền SXH được biết đến phổ biến hiện nay là muỗi vằn Aedes. Loại côn trùng này xuất hiện nhiều khi thời tiết ẩm thấp và là trung gian truyền bệnh. Một số dấu hiệu của loại muỗi này có thể kể đến như: thân, chân có màu đen và điểm trắng rất rõ. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể thấy vùng ngực của chúng có các vảy trắng được xếp thành hàng. Loại muỗi này thường sống ở nơi thiếu ánh sáng và ẩm thấp. Đây chính là kẻ thù cho sức khỏe của con người.

Muỗi vằn Aedes không trực tiếp gây bệnh mà truyền vi-rút SXH từ người này sang người khác. Quá trình lây bệnh được thực hiện thông qua việc đốt và hút máu người. Nếu không kiểm soát, lượng muỗi khổng lồ khi vào mùa sẽ khiến dịch SXH bùng phát. Nhiều người chủ quan thường chỉ mắc màn tránh muỗi vào buổi tối. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng thời gian hoạt động mạnh nhất lại là ban ngày. Khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối là lúc bạn cần đặc biệt chú ý.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây..., các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, chén nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:  Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc mê-zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

T.L (Theo Cục Y tế dự phòng)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.