Y tế - Sức khỏe
Nhiều thay đổi lớn về chính sách BHXH, BHYT
Từ ngày 1/1/2021, nhiều chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách này. Trong đó, nổi bật là quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và quy định về thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT nội trú.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần phát huy nguồn nhân lực và thách thức già hóa dân số. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục tại Trung tâm Hành chính công TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) được điều chỉnh theo hướng tăng lên và tăng từng năm.
Cụ thể, khoản 2, Điều 169 BLLĐ quy định: “Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo cách tính này sẽ được áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 (theo quy định cũ, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55 tuổi).
Ngoài ra, Điều 169 cũng quy định với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc cực nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này. NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng cũng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 nêu trên, tại thời điểm nghỉ hưu.
Để quy định chi tiết Điều 169 BLLĐ về tuổi nghỉ hưu của NLĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Theo đó, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường sẽ được tính: năm 2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Xu thế tất yếu
Tăng tuổi hưu là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phát huy khả năng, kinh nghiệm của NLĐ. Đồng thời, ứng phó với thách thức từ già hóa dân số. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới qua việc thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ… Không chỉ thế, với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, các quyền lợi được hưởng BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa vấn đề mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện. Điều này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và xu hướng phát triển chung của thế giới.
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH nêu rõ: “Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động”. Vì vậy, để bảo đảm thành công trong việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần sự đồng lòng, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, nỗ lực của mỗi NLĐ cũng như mỗi doanh nghiệp.
Ngọc Trăm (BHXH tỉnh)
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau