Y tế - Sức khỏe

Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Thứ Hai, 14/08/2023 | 16:11

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong số đó, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như: cúm gia cầm (A/H1N1, A/H7N9...), bệnh dại, sốt xuất huyết, các bệnh viêm não - viêm màng não, liên cầu lợn, bệnh giun sán..., ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa: Internet

Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm từ động vật, bệnh truyền qua thực phẩm sang người, ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân cần: thực hiện ăn chín, uống chín, thức ăn phải nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; sử dụng các thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ là biện pháp phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa hiệu quả.

Khi giết mổ động vật, tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt động vật mà nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như găng tay, khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm trực tiếp mầm bệnh sang người. Đồng thời, cần vệ sinh sạch thịt động vật sau khi giết mổ, tránh để dính các chất cặn bã, dư thừa sau khi giết mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào thịt thành phẩm.

Không sử dụng những sản phẩm từ động vật bị bệnh, ốm, chết, hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm. Không ăn các sản phẩm từ động vật chưa nấu chín như: tiết canh, nem chua sống (có nguy cơ nhiễm các bệnh như liên cầu, sán…), rau sống, nhất là rau thủy sinh không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Tăng cường ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường của người dân. Thực hiện rửa tay trước khi ăn uống hoặc chế biến thực phẩm. Rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống giúp tiêu diệt các loại trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột..., tạo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, tránh các loại vi khuẩn và mầm bệnh trong không khí.

Định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho cả người lớn và trẻ em. Nên tẩy giun cho mọi thành viên trong gia đình cùng một lúc nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các thành viên. Lưu ý, người dân nên chủ động đi tiêm ngừa bởi một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như: cúm, viêm não - viêm màng não, bệnh dại… đã có vắc-xin phòng bệnh.

T.L

Những hành vi bị nghiêm cấm

Điều 8, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định những hành vi bị nghiêm cấm:

Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;

Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;

Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm;

Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm;

Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật này;

Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Một trong những nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm đó là lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu; kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Song song đó, thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

Nguyên tắc này được Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007) quy định cụ thể tại Điều 4 của luật. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn quy định chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể là Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng; ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế. Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác; hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như: bệnh cúm, bệnh viêm não - viêm màng não, bệnh dại… đã có vắc-xin phòng bệnh, người dân nên chủ động đi tiêm phòng. Ảnh minh họa: C.K

Nhà nước huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, luật quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Trúc Ly (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.