Y tế - Sức khỏe
Thực phẩm biến đổi gen - Nên hay không nên ăn?
Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết.
Từ ngày 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gen được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt. Ảnh: Internet
Thực phẩm biến đổi gen là những loại thực phẩm được trồng từ hạt giống đã được biến đổi gen - DNA, hiện nay đã áp dụng đối với đậu nành, bắp và một số loại thực vật khác. Theo Trung tâm An toàn thực phẩm Mỹ, các loại hạt giống biến đổi gen đang được sử dụng để canh tác tới 90% sản lượng bắp, đậu nành và bông tại Mỹ.
Người ta tạo ra các loại hạt giống biến đổi gen với nhiều mục đích. Đôi khi mục đích sử dụng các hạt giống này để tăng khả năng kháng lại sâu bệnh, hoặc để cây trồng cứng cáp hơn. Người ta cũng biến đổi gen cho thực vật để sản phẩm thu được có màu sắc đẹp hơn, vòng đời lâu hơn hoặc để tạo ra những loại thực vật không hạt như dưa hấu và nho… Một số loại thực vật biến đổi gen cũng chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn như protein, canxi và folat.
Những người ủng hộ thực phẩm biến đổi gen nói rằng công nghệ này đã mang lại một phương pháp phát triển bền vững để cung cấp thực phẩm cho người dân ở những quốc gia đang thiếu lương thực cũng như chưa được tiếp xúc với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Vòng đời dài hơn của một số thực vật biến đổi gen cho phép chúng được trồng phổ biến hơn ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại thực phẩm từ thực vật biến đổi gen cần phải đáp ứng quy định an toàn như các loại thực phẩm không biến đổi gen. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan ngại về những ý kiến cho rằng thực phẩm biến đổi gen có thể gây dị ứng, ức chế miễn dịch, kháng kháng sinh hay ung thư.
Từ ngày 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gen được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt. Theo đó, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Kể từ khi thông tư này có hiệu lực, những thực phẩm biến đổi gen đang lưu hành trên thị trường sẽ buộc phải ghi nhãn theo quy định. Các thực phẩm biến đổi gen không ghi nhãn theo quy định sẽ không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau ngày 8/1. Tuy nhiên, quy định trên đây chỉ áp dụng đối với những mặt hàng đóng gói sẵn. Các thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không bao gói không phải tuân thủ các quy định này.
Hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết. Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tại Việt Nam, dù chỉ mới công nhận 4 giống bắp biến đổi gen (chưa tiến hành trồng đại trà), song việc nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen (đậu nành, bắp…) là thực tế từ khoảng 10 năm gần đây. Do đó, việc quy định ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen sẽ góp phần minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn.
Theo SK&ĐS
- Kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”