Chính quyền của dân, lo cho dân

Thứ Tư, 21/10/2020 | 15:15

Suy cho cùng, đích đến của nhiều công trình, phần việc trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng, làm cho đời sống Nhân dân thật sự ấm no và hạnh phúc. Chính vì vậy, học Bác về chăm lo cho dân hiển nhiên trở thành một trong những quyết sách hàng đầu để xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh dựa trên nền tảng vững chắc là lòng tin, sự đồng thuận của Nhân dân.

Bài 2:  Bài học khơi sức dân

>>Bài 1: Tận tâm, tận sức vì dân

Không dừng lại ở chuyện lo cơm ăn, áo mặc, nhu cầu đi lại… cho người dân, việc cán bộ, đảng viên hết lòng vì dân đã góp phần lan tỏa, thôi thúc Nhân dân cùng ra sức học tập và làm theo Bác. Để từ đó, chăm lo cho dân không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước mà đã trở thành phong trào trong toàn xã hội. Học Bác để khơi dậy sức dân - bài học chưa bao giờ cũ đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh vận dụng vào thực tiễn và giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần làm sáng ngời lời dạy của Bác “Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

NHỮNG CÔNG TRÌNH Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN

Đến ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), hỏi thăm nhà ông Kim Sung, hầu như người nào cũng biết. Ông nổi tiếng, không chỉ bởi gia đình ông đã tự bỏ tiền xây 3 cây cầu sắt bắc qua các con kênh trong ấp, mỗi cây trị giá trên dưới 20 triệu đồng. Điều mà bà con quý mến hơn cả việc xây cầu cho dân, chính là hình ảnh ông Sung lụi cụi giữa cái nắng trưa sơn phết phần vỉ sắt trên cây cầu để chống gỉ sét, giúp bà con đi lại an toàn. Bị lay động trước nghĩa cử đó, người dân sinh sống tại chân cầu cũng thường phụ giúp một tay để ông bớt vất vả hơn.

Ông Kim Sung sơn lại phần vỉ sắt trên một cây cầu do mình bỏ tiền xây dựng. Ảnh: H.T

Kể chuyện về những cây cầu có giá trị không ít đối với một nông dân, ông Sung nói gọn hơ: “Thấy bà con trong ấp đi lại khó khăn trên cây cầu cũ, vậy là tôi xin chính quyền địa phương cho đóng góp xây cây cầu mới. Việc nhỏ mà có gì to tát lắm đâu!”. Suy nghĩ, hành động nhỏ bé mà ông Sung chia sẻ tưởng chừng giản đơn, nhưng nó đã thể hiện tinh thần cốt lõi của việc học Bác: những việc nhỏ bé cũng có thể trở nên lớn lao khi nó vì lợi ích thiết thực của dân.

Ông Sung được tỉnh, huyện tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, phần thưởng tinh thần lớn nhất trong lòng ông là được thấy niềm vui của bà con phum sóc, nhất là nụ cười của các cháu học sinh mỗi khi đi trên những nhịp cầu vững chắc.

Dù không đứng trên bục giảng như những thầy cô giáo, song ông Nguyễn Văn Tắc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) lại là tấm gương sáng trong học và làm theo Bác về vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”. Hay tin chính quyền địa phương muốn xây trường mầm non nhưng không có đất công, ông Tắc liền nhờ Trưởng ấp hướng dẫn viết đơn tự nguyện hiến gần 4.500m2 đất. Ngoài mong muốn giúp các cháu nhỏ có trường lớp học hành đàng hoàng, trong đơn ông thẳng thắn không đòi hỏi gì về phần mình. Kể từ ngày khởi công trường học (18/3/2020), lão nông ngoài 60 tuổi vẫn thường xuyên làm phụ hồ, ra vào trông coi việc thi công, động viên công nhân để công trình sớm hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Tắc (thứ hai từ phải sang) bên phần đất đã cho địa phương xây dựng trường học. Ảnh: H.T

Học Bác về tư tưởng suốt một đời lo cho dân, những người như ông Sung, ông Tắc và còn rất nhiều lão nông nữa đã và đang thầm lặng cống hiến sức người, sức của để dựng xây nên những công trình mang tên “ý Đảng - lòng Dân”.

CÙNG GÁNH VÁC NHIỆM VỤ LO CHO DÂN

Từ cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ thành thị cho đến những vùng quê trong tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng là những người dân bình thường. Phần việc học Bác tuy khác nhau, song mong muốn lớn nhất và duy nhất của họ là được cùng với Đảng, Nhà nước gánh vác việc lo cho dân.

Hơn chục năm qua cũng là ngần ấy thời gian ông Lê Văn Dung (xã An Phúc, huyện Đông Hải) tiếp sức với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ gạo cho người nghèo, người già yếu, neo đơn trong xã. Mỗi năm, ông đều mang hơn 1 tấn gạo đến với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Dung bộc bạch chân thành: “Cuộc sống của tôi tuy chẳng dư dả gì nhưng giúp được bà con bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”. Những hạt gạo mang cả tấm lòng của ông không chỉ giúp người nghèo lúc khó khăn, mà còn tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, nhiều hộ được giúp gạo nay đã thoát nghèo. Cũng vì lẽ đó, ông Dung được xem là “ông Bụt” trong lòng người nghèo.

Nghe theo lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi đã đồng sức, đồng lòng lo chuyện an cư cho hộ nghèo, thể hiện qua việc nhất trí cao với chủ trương vận động 10 hộ khá sinh sống kế cận góp tiền xây nhà tình thương cho 1 hộ nghèo mà Đảng bộ, chính quyền địa phương đưa ra. Nhờ thực hiện tốt chủ trương “10+1”, từ năm 2019 đến nay, ngày càng có nhiều căn nhà tình thương mọc lên biến ước mơ về một căn nhà lành lặn, ấm cúng của hộ nghèo trở thành hiện thực.

Chuyện về những nông dân chân chất xây cầu, hiến đất xây trường hay những căn nhà tình thương ở Vĩnh Lợi do Nhân dân đóng góp xây dựng là một minh chứng sinh động về tính nhân văn, truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết của người Việt. Nghĩa cử đẹp đó còn khẳng định sâu sắc giá trị lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Mọi phong trào, cuộc vận động nếu có xuất phát điểm và đích đến vì lợi ích của dân thì ngay lập tức được người dân dốc lòng, dốc sức ủng hộ. Đó là giá trị của bài học khơi sức dân của cha ông từ đời xưa, cũng là một trong những bài học quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo cho dân.

HỮU THỌ - CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.