Những điểm tựa của bản làng

Thứ Tư, 19/06/2024 | 08:22

Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Bạc Liêu trở thành nhịp cầu nối quan trọng giữa người dân với các cấp chính quyền. Họ giữ vai trò quan trọng trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động tại địa phương, là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của xóm làng. Và 2 trong số đó vừa được Đảng, Nhà nước tuyên dương tại Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần II - năm 2024, diễn ra từ 14 - 16/6, đó là ông Trương Dù Chênh và bà Lê Thị Mỹ.

Bà Lê Thị Mỹ (thứ hai từ phải sang) nhận biểu trưng và giấy chứng nhận của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Hầu A Lềnh - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ trao. Ảnh: P.N

LUÔN ĐI ĐU LÀM GƯƠNG

Băng qua những vườn nhãn xanh tốt thoang thoảng hương thơm đang vào mùa thu hoạch, theo chỉ dẫn của dân địa phương chúng tôi tìm đến nhà của ông Trương Dù Chênh (Trương Như Chung, ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) người được chính quyền công nhận là NCUT hơn 20 năm nay.

Ông Trương Dù Chênh từng là người hoạt động không chuyên trách ở ấp nhiều nhiệm kì liền, sau đó vì điều kiện gia đình ông xin nghỉ những công tác này. Trở về tập trung phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc vườn thanh nhãn và hơn 2ha đất nuôi tôm. Ông luôn được người dân và các cấp chính quyền tin tưởng, giao giữ, thực hiện nhiều công việc, như Hội phó Ban trị sự miếu Ông Bổn (Huyền Thiên Thượng Đế cổ miếu) nhiều năm qua.

Ông Trương Dù Chênh và bà Lê Thị Mỹ chụp ảnh tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Di tích K9) ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Ảnh: P.N

Chia sẻ về sự tín nhiệm người dân dành cho mình ông Chênh cho biết: “Nói lời của ông có “sức nặng” đặc biệt với dân bởi từ việc nhỏ đến việc lớn, như: Hiến đất làm đường giao thông, phát triển sản xuất đến những nền nếp, sinh hoạt trong gia đình, ông đều gương mẫu, vận động người nhà mình làm trước, bà con thấy đúng, thấy tốt thì làm theo, còn ai chưa hiểu thì tôi sẵn sàng tận tình giải thích, phân giải cái lợi có được, lâu dần bà con tín nhiệm”.

Với uy tín của mình ông vận động miếu Ông bổn đóng góp vào quỹ “An sinh xã hội”, quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền hàng chục triệu đồng, vận động nhân dân tham gia hiến đất mở rộng lộ giao thông nông thôn tuyến đường du lịch sinh thái. Tham gia các Tổ tự quản dòng tộc, tham gia tự quản tại khu dân cư, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở ấp Biển Tây A nơi có hơn 70% người dân tộc Hoa sinh sống.

Đoàn Bạc Liêu tham gia Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần II - năm 2024. Ảnh: NVCC

GÓP PHẦN CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Đời sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều đổi thay, nhận thức của bà con được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả này nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tại ấp Đầu Lá, xã Long Điền, huyện Đông Hải, bà Lê Thị Mỹ lâu nay vẫn luôn được người dân xem là một NCUT trong đồng bào Khmer. Sinh ra trong gia đình có 5 thế hệ làm nghề giáo, các con được nuôi dạy đến nơi đến chốn, có công việc ổn định, kinh tế gia đình khá giả, gia đình bà được xem như một hình mẫu để các hộ khác noi theo.

Sau khi về hưu, bà tham gia ban chủ nhiệm các câu lạc bộ của ấp. Trong các sinh hoạt định kì hằng tháng của các câu lạc bộ, bà tự mình đứng lớp phổ biến những đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, vận động đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn ấp chấp hành. Trong bảo đảm quốc phòng - an ninh, bà đã tích cực tham gia, vận động người dân xây dựng, triển khai nhiều mô hình thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, như: Câu lạc bộ “Nữ phòng chống tội phạm”, quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội, đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật.

Phóng viên Thanh Mai - Báo Bạc Liêu trao đổi với ông Trương Dù Chênh trước khi nhân vật ra Thủ đô Hà Nội tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng”. Ảnh: N.Q

Không chỉ tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành pháp luật, tại các buổi sinh hoạt do bà Mỹ còn cung cấp, chia sẻ nhiều kiến thức hỗ trợ đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Các hộ Khmer ở ấp Đầu Lá hiện có thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm.

Khi đời sống không ngừng được cải thiện, đồng bào Khmer nơi đây cũng đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở ấp, xã. Đồng bào Khmer đã đóng góp tiền cùng Nhà nước xây dựng và hoàn thiện 3 tuyến đường “xóm liền xóm”, kinh phí xây dựng trên 300.000.000 đồng, đưa con em trong độ tuổi đến trường đầy đủ,… Những đóng góp trên của đồng bào đều có “dấu ấn” của bà Lê Thị Mỹ, góp phần cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

THANH MAI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.