Xây dựng chính quyền hài lòng dân

Thứ Sáu, 08/09/2017 | 15:38

Thế nào là một chính quyền “được lòng” dân? Với các cấp chính quyền, đó là sự phản ánh đối với hiệu quả quản trị hành chính công. Nhưng đối với người dân, đó chỉ là những điều đơn giản: chính quyền biết lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân; cán bộ có thái độ phục vụ tốt, gần dân, hiểu dân… Nói thì dễ nhưng để xây dựng được một chính quyền làm hài lòng dân lại là điều rất khó khăn mà đôi khi các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở lại chưa quan tâm một cách thấu đáo…

Bài 2: Khi chính quyền và dân còn khoảng cách

>>Bài 1: Nhìn từ chỉ số PAPI

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) phản ánh mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở - nơi gần dân nhất nhưng cũng dễ… mất lòng dân hơn cả. Trên thực tế, những nội dung được khảo sát chưa được chính quyền quan tâm thực hiện theo đúng quy trình, vì vậy khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân luôn giữ ở một mức độ nào đó dù đã có nhiều quy định cho người dân tham gia vào hoạt động của chính quyền…

Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) tham gia giám sát thi công lộ nông thôn. Ảnh: L.A

Minh bạch nặng về hình thức

Một trong những quy định về nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai với dân là vấn đề thu chi ngân sách. Tuy nhiên, qua tìm hiểu người dân ở nhiều địa phương và chính tại nơi cư trú, chúng tôi chưa từng được nghe về việc xã, phường mình đã sử dụng ngân sách cùng các khoản vận động xã hội hóa trong năm như thế nào! Cũng như thế, trong nhiều vấn đề cần sự bàn bạc của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phần nhiều được thực hiện theo hình thức. Việc làm đường, các công trình hạ tầng của xã… được quyết định mà ít khi tham khảo ý kiến nhân dân, dù những công trình đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

Ông Trịnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Nội vụ và ông Bùi Tấn Bảy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng một nhận định về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là “nặng về hình thức, người dân chỉ tham gia làm nhiều hơn việc biết, bàn và kiểm tra”. Quả thật, những điều được công bố tại bộ phận “một cửa” trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn thường là những hướng dẫn về các loại thủ tục hành chính, một số quy định hoặc chủ trương, chính sách có liên quan đến địa phương. Khỏi phải nói, những văn bản hành chính khô khan này ít được người dân để mắt tới. Trong khi đó, chính quyền cũng chẳng quan tâm đến việc làm cách nào để dân hiểu được điều đó. Một số nơi còn đưa những nội dung cần bàn như bình chọn hộ nghèo, mức vận động đóng góp… vào các buổi họp dân. Tuy nhiên, chính một trưởng ấp cho biết việc họp dân bây giờ rất khó, đặc biệt là ở nông thôn, do người dân bận việc đồng áng, đi làm xa hoặc do địa bàn quá rộng.

Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng được xem như “tai mắt” của nhân dân để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tỷ lệ Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động có hiệu quả chiếm không nhiều. Còn lãnh đạo Sở Nội vụ thì cho rằng, vì thiếu một hành lang pháp lý mà vai trò kiểm tra, giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa thật sự được xem trọng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung trong cuộc họp bàn về nâng cao chỉ số PAPI, có những nội dung chính quyền cấp cơ sở không công khai trước người dân, tuy nhiên cũng có những chương trình chưa công khai được là do… chưa làm, ví dụ như việc quy hoạch chi tiết sử dụng đất. Vì vậy, chuyện chính quyền làm hay không thì chỉ chính quyền biết, dân có hay và có được tham gia bàn, kiểm tra hay không lại là chuyện… của dân, chính quyền ít có sự quan tâm.

 

Chưa xem trọng tiếng nói của dân

Do việc lựa chọn ngẫu nhiên người dân để tham gia khảo sát nên có ý kiến cho rằng, những đánh giá về chính quyền thông qua chỉ số PAPI còn nặng về cảm tính. Điều đó có thể xảy ra khi mà sự yêu ghét của người dân thường được thể hiện rõ trong những nhận xét về cán bộ, về bộ máy hành chính mà ít khi quan tâm đến công việc thực tế của những người, tổ chức đó. Tuy nhiên, ở góc độ khách quan, chính sự tiếp xúc hàng ngày là yếu tố tác động đến những suy nghĩ, đánh giá này. Và điều mà chính các cơ quan chức năng cũng nhận thấy là cán bộ tại bộ phận “một cửa” đôi khi chưa ứng xử tốt với dân, còn quan liêu, thậm chí là hách dịch khiến người dân e ngại khi tới liên hệ làm việc.

Ông Bùi Tấn Bảy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chia sẻ câu chuyện bản thân: “Khi về địa phương để chứng giấy tờ, mặc dù tôi đã liên hệ hẹn trước nhưng đến khi xuống bộ phận “một cửa”, các cán bộ ở đó lại nói không có lãnh đạo; rồi hết giờ làm việc…, dù vẫn chưa đến giờ nghỉ theo quy định!”. Ngay trong khi khảo sát chỉ số PAPI, một cán bộ cấp huyện ngẫu nhiên được chọn cũng trả lời thẳng rằng, “bộ phận một cửa ở cơ sở làm chưa tốt”! Dù thời gian trôi qua đã lâu nhưng chị T.A (phường 8) vẫn cứ ám ảnh mãi câu nói “chị là dân, chị phải chờ cán bộ của phường”, khi chị có dịp đến địa phương liên hệ làm giấy tờ. Chính những thái độ xa cách đó đã góp phần hình thành nên những thành kiến về “cán bộ hành dân” trong bộ máy chính quyền.

Một nội dung quan trọng khác là trách nhiệm giải trình với nhân dân. Ông Trịnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, lãnh đạo các xã, phường hiện nay chưa xem trọng việc đối thoại với dân. Khi người dân bức xúc thường do quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng dẫn đến kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết, từ đó sinh ra bức xúc, gây áp lực với chính quyền. Tuy nhiên, chính quyền nhiều nơi lại không chịu đối thoại, lắng nghe dân mà áp dụng một cách cứng nhắc những quy định theo pháp luật hiện hành. Từ đó mức độ nghiêm trọng của vấn đề càng tăng lên, dân đến khiếu kiện vượt cấp. Trong khi đó, điều này hoàn toàn có thể được giải quyết ngay từ cơ sở khi lãnh đạo địa phương cùng ngồi lại và trao đổi với dân để tìm ra phương hướng giải quyết một cách hợp lý nhất!

Ngoài các tổ chức Hội, đoàn thể, người dân còn có một kênh để thực hiện quyền được “biết, bàn và kiểm tra” những công việc của chính quyền là HĐND. Tuy nhiên, nếu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện làm rất tốt vai trò của mình thì HĐND cấp xã thật sự vẫn chưa hoàn thành tốt chức năng đại diện nhân dân trên địa bàn. Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, HĐND cấp xã hiện nay hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân. HĐND cấp xã, phường, các đại biểu không biết phải giám sát như thế nào và giám sát những vấn đề gì, nhiều khi phải xin ý kiến Đảng ủy, chính quyền rồi mới giám sát! Đặc biệt trong việc giám sát thu - chi ngân sách, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nếu các đại biểu HĐND không có năng lực, trình độ thì không thể giám sát, cũng như không biết vấn đề mình giám sát là đúng hay sai.

Chính những khoảng cách được tạo ra bởi những hạn chế, yếu kém khách quan lẫn chủ quan của bộ máy chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, các cơ quan dân cử tại cơ sở đã dẫn đến những đánh giá tiêu cực trên kết quả bảng xếp hạng PAPI. Đã biết người dân không hài lòng, nhưng làm sao để dân hài lòng thì câu trả lời lại không dễ!

Thanh Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.