Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Chìa khóa” giúp giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 15/07/2024 | 14:12

Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công tác đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ có thu nhập thấp, thời gian qua xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đổi mới theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn. Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và mang lại cơ hội lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống ổn định cho người dân.

Cấp phát con giống cho lao động nông thôn. Ảnh:Q.L

THOÁT NGHÈO NHỜ ĐƯỢC ĐÀO TẠO NGHỀ

Là hộ nghèo, không có đất sản xuất, tài sản có giá trị duy nhất của gia đình anh Lâm Minh Sộn (ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây) là căn nhà nhỏ làm bằng cây gỗ tạp. Vợ anh Sộn có nghề may nhưng thu nhập bấp bênh, cả gia đình 4 miệng ăn đều trông chờ vào việc chở tôm thuê của anh Sộn. Năm 2023, UBND xã Vĩnh Phú Tây tạo điều kiện cho anh Sộn học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà, đồng thời hỗ trợ con giống, thức ăn để gia đình anh phát triển nghề chăn nuôi. Nhờ áp dụng kiến thức, kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gà phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt rất ít, sau 3 tháng nuôi, anh bán được 5 triệu đồng. Hiện, anh đang chuẩn bị mở rộng mô hình nuôi gà để có thu nhập khá hơn. Thấy nhà ở xuống cấp, xã tiếp tục xét hỗ trợ căn nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, giúp gia đình anh an cư lạc nghiệp. Cuối năm 2023, gia đình anh Sộn được công nhận thoát nghèo bền vững.

Đầu năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Long phối hợp với xã UBND Vĩnh Phú Tây xét cho anh Sộn tham gia Dự án đa dạng hóa sinh kế từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và hỗ trợ gia đình anh 8 con heo rừng giống cùng thức ăn. Đến nay, đàn heo phát triển tốt, đạt trọng lượng từ 30 - 40kg/con. Anh Sộn cho biết, khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất chuồng đàn heo, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập khá, cuộc sống ngày càng ổn định.

Từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà, nuôi cá lóc, ông Nguyễn Chí Tâm (cùng ngụ ấp Bình Lễ) cho biết: “Sau khi được đào tạo nghề, tôi còn được đầu tư con giống, thức ăn để phát triển mô hình chăn nuôi. Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn gà và hơn 400 con cá lóc đang nuôi hiệu quả hơn. Sắp tới, khi xuất bán đàn cá, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn thu để mở rộng mô hình”.

Việc trang bị kỹ thuật, kiến thức và con giống để phát triển các mô hình kinh tế đã giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khai giảng lớp dạy nghề cho lao động nông thôn ở xã Vĩnh Phú Tây.

Đàn heo rừng của gia đình anh Sộn được chăm sóc rất tốt và có thể xuất bán.

HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ

Để đảm bảo công tác đào tạo nghề cho LĐNT đúng đối tượng, có hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, UBND xã Vĩnh Phú Tây đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Long tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, dự báo thị trường việc làm, để từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được xã quan tâm triển khai, thông tin rộng rãi đến người dân. Công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm đối với LĐNT được thực hiện bằng nhiều hình thức như: hội nghị, hội thảo, phát phiếu khảo sát nhu cầu học nghề..., nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã có nhiều chuyển biến, tạo sự phối hợp và trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. NLĐ có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học để nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng, tăng thêm cơ hội tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong năm 2023, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Long phối hợp với UBND xã Vĩnh Phú Tây mở 5 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có 4 lớp nông thôn mới (gồm 2 lớp kỹ thuật phòng trị bệnh cho gà, 1 lớp kỹ thuật nuôi cá lóc, 1 lớp kỹ thuật nhân giống lúa) và 1 lớp giảm nghèo bền vững (lớp kỹ thuật nuôi cá lóc). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, mở được 10 lớp đào tạo nghề LĐNT. Trong đó, có 6 lớp nông thôn mới (gồm 2 lớp kỹ thuật phòng trị bệnh cho gà, 4 lớp kỹ thuật làm nước rửa chén) và 4 lớp giảm nghèo bền vững (gồm 4 lớp kỹ thuật làm nước rửa chén). Ngoài đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia, xã còn tổ chức đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề được 578/700 lao động (nghề đan đát, trồng màu, chăn nuôi...).

Hiệu quả từ đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có 4.019 hộ, đầu năm 2024 có 59 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,39%), đến cuối năm 2024, phấn đấu giảm còn 22 hộ nghèo (tỷ lệ 0,85%).

Việc mở những lớp đào tạo nghề cho LĐNT không những giúp xã Vĩnh Phú Tây đạt tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo, mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân, cơ cấu lại LĐNT, góp phần giảm nghèo bền vững và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương.

QUYÊN LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.