Điệp khúc “trăn trở” của người làm muối

Thứ Tư, 02/03/2022 | 16:47

“Mười nắng, một mưa, coi như bỏ” - câu nói ấy của bà con diêm dân cho thấy sự khó khăn, vất vả và cả sự bấp bênh của nghề làm muối. Vậy mà từ sau tết Nguyên đán đến nay, trời cứ liên tục trút những con mưa trái mùa khiến cho bao nhiêu công sức, tiền của của diêm dân… tan theo bọt nước.

Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: C.L

NỖI NIỀM NGƯỜI LÀM MUỐI

Có lẽ, với nhiều người, những cơn mưa đầu mùa sẽ giúp làm tan đi cái nóng oi bức, nhưng với bà con diêm dân, cái nghề vốn yêu nắng thì lại thấy buồn rười rượi. Ngồi trong căn chòi canh lộng gió nhìn ra phía những ô muối đang chắt chiu từng tia nắng để kết tinh, anh Lưu Thanh Hiền (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) than: “Đầu vụ tới giờ mới cào có một lần, bữa muối lên rua gần thu hoạch được thì mưa ập tới, tan hết. Rồi sau mưa phải mất thêm mấy ngày nữa mới làm sân phơi lại được. Thu nhập bấp bênh mà làm thì rất cực nhọc, không biết sau thế hệ tôi có còn ai theo cái nghề chạy theo con nắng này không?!”.

Nỗi trăn trở của anh Hiền cũng là tâm sự chung của nhiều diêm dân. Bởi, hiện nay có không ít diện tích muối trước đây nay đã chuyển sang các mô hình kinh tế khác như: nuôi Artemia, nuôi cua, cá… Còn đối với những hộ có điều kiện thì cũng mạnh dạn đưa cơ giới vào cải tạo lại các ô muối thành những khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Nghề muối cũng vì thế mà dần mất đi những diêm dân lành nghề.

Việc diêm dân không còn mấy mặn mà với nghề truyền thống một phần cũng bởi thu nhập từ nghề muối khá thấp. Mới bước vào đầu vụ nhưng muối được thương lái thu mua với giá 1.100 đồng/kg đối với muối trải bạt, còn muối ô đất truyền thống thì chỉ bán được 700 - 800 đồng/kg. Là địa phương có diện tích sản xuất muôi lớn nhất tỉnh với gần 1.300ha, chiếm 80% tổng sản lượng muối của tỉnh, nhưng  diêm dân của huyện Đông Hải cũng đang phải chật vật tìm đầu ra cho hạt muối. Không chỉ vậy, việc xuất hiện những cơn mưa trái mùa trong những ngày vừa qua còn khiến cho nhiều hộ sản xuất muối lâm vào khó khăn. Ông Trần Văn Cộng (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Nghề này là vậy, phơi liên tục gần chục ngày mà mưa ào qua cái là muối chìm, tan ra ngay. Lại phải ngồi chờ có đợt nắng mới”.

CẦN GIÚP DIÊM DÂN GẮN BÓ VỚI NGHỀ

Theo tính toán, để đầu tư một công muối trải bạt, người làm muối phải tốn chi phí lên tới 200 triệu đồng. Nhưng với điều kiện thời tiết và giá muối liên tục trồi sụt như hiện nay thì “giấc mơ” có được sân muối trải bạt của nhiều diêm dân khó trở thành hiện thực. “Làm muối như đánh bạc với trời, được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, thời tiết mưa bão chẳng biết khi nào. Thôi thì cứ bám trụ với nghề, tới đâu tính tới đó vậy” - một diêm dân sản xuất muối theo cách truyền thống ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) bộc bạch.

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.500ha đất muối, hàng năm giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. Nghề làm muối tuy vất vả nhưng đối với nhiều gia đình đó là nghề truyền thống nên bà con không muốn chuyển đổi sang nghề khác. Vả lại, dọc các xã ven biển, đất đai chỉ phù hợp với nghề làm muối, nếu muốn chuyển sang nghề khác cũng không dễ bởi cần vốn đầu tư nhiều. Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, giá cả không ổn định khiến diêm dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho biết: “Nhiều diêm dân có ý định đầu tư làm muối trải bạt để nâng cao năng suất cũng như chất lượng muối, nhưng vốn đầu tư cho mô hình này còn khá cao. Vì vậy, để giúp bà con gắn bó với nghề truyền thống, hiện huyện đang tích cực phối hợp với các bên có liên quan để tranh thủ nguồn vốn, giúp bà con đầu tư quy trình sản xuất, tìm thị trường đầu ra cho hạt muối để bà con yên tâm sản xuất”.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.