Hẩm hiu​ nghề xe ôm truyền thống

Thứ Sáu, 28/08/2020 | 16:37

Không đòi hỏi trình độ, không giới hạn độ tuổi, chỉ cần có bằng lái xe và một chiếc xe gắn máy là có thể hành nghề xe ôm. Thế nhưng, trong điều kiện hầu như mỗi nhà đều sở hữu ít nhất một chiếc xe gắn máy như hiện nay, việc chạy xe ôm để mưu sinh không còn được nhiều người lựa chọn như trước đây…

Các tài xế xe ôm trước cổng Bệnh viện Đa khoa  tỉnh chờ khách. Ảnh: C.L

Các điểm hành nghề xe ôm thường là nơi tập trung dân cư đông đúc như: Bến xe, bệnh viện, chợ, các trạm dừng xe buýt... Công việc thường không cố định giờ giấc, có khi rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về lúc tối muộn. Khoảng 6 giờ sáng, ông Trần Văn Chung (60 tuổi, ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) bắt đầu chuyến hành trình tìm miếng cơm, manh áo với chiếc xe cà tàng. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày nghỉ, lễ, tết, ông chọn cho mình một góc riêng gần chợ để “cắm chốt” đợi khách. Ông Chung bộc bạch: “Làm nghề này giờ giấc bất thường lắm, có khi gà chưa gáy sáng, hễ khách quen gọi giờ nào thì mình đi giờ đó. Mưa nắng gì cũng đi. Lớn tuổi rồi, công việc nào phù hợp sức khỏe, không vi phạm pháp luật thì làm, miễn có tiền để phụ giúp gia đình”.

Tuy vất vả nhưng thu nhập của nghề chạy xe ôm cũng khá bấp bênh. Anh Danh Suôl (Phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Còn bây giờ, dù “cày sấp mặt”, ngồi cả ngày đợi cũng chỉ đi về được vài lượt. Thậm chí có bữa ế khách, lỗ tiền xăng xe”. Dễ đến với nghề nhưng không dễ kiếm tiền là tình hình chung của nghề xe ôm hiện nay nên nhiều người đã phải bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống; chỉ một ít người còn bám trụ vì không biết phải làm gì để có thêm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Một ngày làm việc của các tài xế xe ôm phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Ngày mưa vắng khách, ngày nắng nóng như đổ lửa cũng… thưa khách. Mỗi cuốc xe kết thúc, người chạy xe ôm lại tìm nơi “cắm chốt” chờ khách. Ông Nguyễn Văn Hai quê ở tận miền Trung vào Bạc Liêu và chọn nghề xe ôm để mưu sinh, nói: “Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, nhưng với nghề xe ôm dường như suốt ngày phải trực chiến ngoài đường. Cơm, nước mang theo ăn để tiết kiệm chi phí; lúc nào mệt mỏi quá thì tìm bóng râm, gục đầu trên xe chợp mắt một chút. Khi có khách thì tiếp tục hành trình mưu sinh”.

Đối với người chạy xe ôm khi mới vào nghề cũng lắm khó khăn vì không rành, dễ đi nhầm đường vừa tốn thời gian lẫn tốn tiền xăng. Đi riết quen đường, khách chỉ cần nói địa chỉ là những người chạy xe ôm đưa đến tận ngõ, ngách. Ngày trước, có những cuốc xe kéo dài đến khuya miễn họ đủ sức để chạy, thì giờ đây lại hạn chế và chỉ nhận khách quen vào ban đêm. Bởi nghề xe ôm luôn tồn tại những bất trắc khó lường trước, buộc họ phải có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống, nhận diện, thậm chí là đoán tâm lý khách.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng người chạy xe ôm luôn hiện diện trên môi nụ cười, mong một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ con cháu - nơi họ gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, dù ẩn sâu bên trong còn những nỗi lo, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.