Đời sống - Xã hội
Làng nghề đan đát - Khó tìm người nối nghiệp
Nghề đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề đan đát truyền thống vào năm 2009. Nhờ sự cố gắng của các hộ gia đình và chính quyền địa phương, những năm gần đây, các làng nghề trong tỉnh đã được duy trì và phát triển ổn định. Song có một vấn đề đặt ra, làm thế nào để giữ lửa làng nghề khi những người trẻ không mấy mặn mà với nghề truyền thống.
Nghề đan đát truyền thống ở ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long). Ảnh: C.L
Những năm trước đây, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu đã làm một vài hộ quay lưng với nghề đan đát, đi tìm việc làm ở tỉnh khác. Đứng trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để giữ chân người làm nghề, duy trì làng nghề truyền thống. Trong đó, có kế hoạch thực hiện dự án “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình làng nghề tre, tầm vông, trúc đan đát theo hướng tập trung kết hợp du lịch sinh thái”. Với dự án này, các hộ dân ở làng nghề đã cải tạo vườn tạp trồng các loại tre, trúc làm nguyên liệu. Đến nay, vùng nguyên đã bước đầu cho khai thác. Không chỉ chủ động được nguyên liệu vào những lúc hút hàng, mà còn giảm được chi phí sản xuất cho những người làm nghề. Nhờ đó, tạo được sự gắn bó của người dân nơi đây với nghề đan đát truyền thống.
Bà Hồ Thị Thúy - một hộ dân ở xã Vĩnh Phú Đông chia sẻ: “Sản phẩm chủ yếu của làng nghề đan đát là cần xé, rổ, sọt, thúng. Song thời gian gần đây, nhu cầu thị trường chỉ “ăn” mặt hàng cần xé với nhiều loại kích cỡ. Trong ngày, một lao động có thể đan trung bình từ 10 - 20 cái cần xé, với giá 50.000 đồng/cái, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Tuy thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng thực tế cho thấy sản phẩm của làng nghề không còn đa dạng như trước”.
Làng nghề đan đát ở ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông) được hình thành gần 60 năm, có khoảng thời gian dài đan đát là nghề “ăn nên làm ra” của nhiều hộ gia đình nơi đây. Đối với nhiều người, đây không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nghề truyền thống của gia đình. Thế nhưng giờ đây, không chỉ dần đơn điệu về chủng loại, mà làng nghề còn đối mặt với việc mất dần sự kế thừa của lớp trẻ.
Ông Trương Phước Hiền - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Huyện đang có phương án khuyến khích bà con trong làng nghề đan đát khôi phục lại vùng nguyên liệu và hỗ trợ thêm công cụ để bà con làm nghề có thể ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương cũng luôn đồng hành cùng bà con trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm, truyền nghề cho lao động trẻ tại địa phương để duy trì nghề truyền thống”.
Nghề đan đát không quá nặng nhọc, không khó làm, điều quan trọng đối với người làm là lòng yêu nghề để đủ kiên nhẫn sống chết với nghề. Muốn duy trì và phát triển làng nghề, không chỉ trông chờ vào những chính sách hỗ trợ, những đường lối chiến lược của Nhà nước hoạch định, mà điều cần nhất chính là thổi bùng lên ngọn lửa nghề để thế hệ tiếp nối thấy được ý nghĩa của từng sản phẩm mình làm ra, không chỉ phục vụ đời sống mà trong đó còn chứa đựng cả “hồn quê”, là nét truyền thống của dân tộc.
Song Nguyên
- Nông nghiệp Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất khẩu và xuất siêu
- Tổng kết công tác Hội, phong trào phụ nữ năm 2024
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024