Những người thợ của nghề truyền thống

Thứ Tư, 17/07/2024 | 17:02

Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, cho đến ngày nay nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Góp phần quan trọng trong việc “giữ lửa” cho làng nghề không thể thiếu bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn, tâm huyết đang ngày đêm trao truyền lại “nguồn vốn” quý cho thế hệ sau.

Bà Nguyễn Thị Chín (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) dệt chiếu khổ lớn theo đơn đặt hàng của khách. Ảnh: C.L

Một lòng gắn bó với nghề

Ông Phan Hoàng Phúc (ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Nghề đan đát ở đây là nghề cha truyền con nối. Trước đây, người dân tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để đan một số vật dụng sử dụng trong gia đình. Dần dà, mọi người ở các địa phương khác thấy đồ đan bền, đẹp lại hữu dụng nên đặt mua. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, nhờ vậy mà đời sống kinh tế của một bộ phận người dân ấp Nhà Lầu 1 tăng lên đáng kể và trở thành làng nghề từ lúc nào không hay. Ngày nay, tuy phải cạnh tranh với các sản phẩm nhựa phong phú về mẫu mã, giá thành lại rẻ nên thu nhập từ nghề đan đát thấp dần…, nhưng lòng yêu nghề của những người thợ đan đát chưa bao giờ vơi. Thế nên nghề đan đát và sản phẩm của ấp Nhà Lầu 1 vẫn sống cho tới bây giờ”.

Hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề, đến nay ông Phúc không chỉ là chủ của một cơ sở đan đát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và đồ dùng nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh, mà còn tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo ông Phúc, để làm ra được một sản phẩm đan đát chất lượng, người làm nghề không chỉ có óc thẩm mỹ, sự khéo léo, tỉ mẩn mà còn đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng. Trải qua hơn 40 năm, cơ sở sản xuất của ông Phúc ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc, góp phần phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.

“Bén duyên” với nghề làm chiếu từ tấm bé, đến nay bà Nguyễn Thị Chín (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) vẫn dành trọn tâm huyết cho nghề truyền thống. “Tôi đã gắn bó với nghề hơn 50 năm, công việc dệt chiếu dường như ăn sâu vào trong tâm thức rồi, nên ngày nào mà không đụng đến khung dệt thì trong người lại có cảm giác trống vắng. Nghề dệt chiếu nơi đây đã có từ lâu đời, trải qua thời gian cũng có lúc suy, lúc thịnh, nhưng đến nay những chiếc chiếu bông Ngan Dừa vẫn được gìn giữ và phát triển…”.

Đặc trưng riêng của chiếu Ngan Dừa là sự hài hòa, cân đối của các họa tiết được dệt trên mặt chiếu và độ bền với thời gian. Có lẽ nhờ sự tỉ mỉ, khéo léo và gửi gắm cả tấm lòng của những người thợ trong mỗi công đoạn mà thương hiệu chiếu Ngan Dừa được khách hàng ưa chuộng cho đến tận bây giờ.

Để “lửa” làng nghề mãi cháy

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 8 làng nghề trong các lĩnh vực: đan đát, làm muối và mộc gia dụng. Sở Công thương hiện đang tiếp tục hướng dẫn và vận động các địa phương làm hồ sơ để công nhận thêm các làng nghề mới. Các làng nghề không chỉ có lịch sử hình thành và phát triển đến vài trăm năm tuổi, mà còn mang đậm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Từ xa xưa, khi nói đến Bạc Liêu người phương xa liền nghĩ đến vị mặn, có hậu ngọt của muối Ba Thắc; hay nghề rèn ở Ngan Dừa (huyện Hồng Dân); nghề làm bánh ở các lò bánh truyền thống trên địa bàn TP. Bạc Liêu...

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có rất ít người trẻ gắn bó với nghề. Bởi, dù vẫn có một vị trí nhất định trong sự lựa chọn hàng tiêu dùng của nhiều người nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng các sản phẩm nghề đang dần “hụt hơi” trong cuộc đua trên thị trường. Kéo theo đó là thu nhập của người dân làng nghề ngày một sụt giảm, không đủ sức hút với nhiều bạn trẻ. Mặt khác, dù được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, tạo điều kiện gìn giữ và phát triển nhưng phần lớn các làng nghề hiện nay vẫn còn khá lạc hậu về máy móc, thiết bị lẫn việc xây dựng thương hiệu nên sản phẩm các làng nghề ngày một mất dần sức hút.

Cơ chế thị trường đã và đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức. Bởi vậy, hơn ai hết vai trò của những người “giữ lửa” ngày càng quan trọng. Bằng tình yêu, tâm huyết đối với nghề ông cha để lại, tin rằng những người thợ ở các làng nghề sẽ làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ mãi “lửa” nghề cho hôm nay và mai sau. Song thiết nghĩ, để phát huy hơn nữa tinh hoa làng nghề, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực từ chính những cá nhân tâm huyết; thì các ngành, các cấp và địa phương cần chung tay vào cuộc. Có như thế, làng nghề mới ngày càng trụ vững và khẳng định được thương hiệu.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.