Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng ĐBSCL

Thứ Ba, 02/07/2024 | 09:35

Chiều 1/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Cà Mau. Tham dự hội nghị có lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tham dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch vùng, báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng, rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng, tiến độ triển khai một số dự án liên vùng và Kế hoạch điều phối Hội đồng Vùng năm 2024; Nghị quyết 78 của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL; Báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiến độ triển khai một số dự án liên vùng và các giải pháp ứng phó để phát triển bền vững vùng ĐBSCL...

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu phát triển chuyển biến tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,37%, cao thứ 2/6 vùng trên cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm. Một số công trình quan trọng, trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 2... Nhiều công trình, dự án quan trọng về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch, hỗ trợ phát triển nông nghiệp... đang trong quá trình thực hiện hoặc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao được quan tâm tổ chức nhiều hơn, tạo không khí vui tươi cho Nhân dân. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững...

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá nhưng còn chưa thực sự bền vững, quy mô còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 12% quy mô GDP cả nước). Tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu. Hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL vẫn còn yếu, thiếu nguồn lực để đầu tư; năng suất lao động của vùng đạt thấp; hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa thực chất; ứng dụng khoa học và công nghệ còn chậm; môi trường đầu tư kinh doanh của một số địa phương trong vùng còn chưa thực sự hấp dẫn, chưa thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể của các địa phương dựa trên lợi thế của từng vùng chưa đồng bộ. Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng chưa được xây dựng đầy đủ… Bên cạnh đó, ĐBSCL hiện đang đối diện với nhiều thách thức. Đây là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng: Để phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới, các bộ, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.

Quang cảnh hội nghị.

Về các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau: Một là, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL…

Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản, các trung tâm đầu mối. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng. Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như Dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, Hòn Khoai…

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, thoát lũ, vùng trữ - chuyển nước ngọt, hệ thống quản lý và kiểm soát xâm nhập mặn nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động từ sự thay đổi nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông. Xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh trong vùng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại các tỉnh, nhất là trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn, văn hóa các dân tộc. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Cần tập trung cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt; các dự án của ngành Giao thông như: nghiên cứu dự án khả thi đường sắt TP. HCM - Cần Thơ; các dự án cao tốc trục Đông Tây, các sân bay Cà Mau, Phú Quốc...

Về triển khai kế hoạch điều phối vùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần các nội dung điều phối phải thực chất, hiệu quả, các nhiệm vụ phù hợp triển khai trong năm 2024 sát với thực tiễn và khả thi...

Tin, ảnh: M.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.