Xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp tôm: Nhìn từ “thủ phủ” tôm Bạc Liêu

Thứ Sáu, 26/07/2024 | 16:36

Bài cuối: Chung tay hành động vì thương hiệu và sự phát triển bền vững của con tôm

>>Bài 1: Nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường

>>Bài 2: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao “nghẽn” ở đâu?

>>Bài 3: Cần xây dựng các liên kết bền chặt

Có thể nói, tất cả những khó khăn, bất cập trong phát triển con tôm ở Bạc Liêu cũng chính là khó khăn chung của các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay. Trong đó, có những vấn đề cần sự chung tay và hợp sức của cả đồng bằng chứ không riêng gì tỉnh Bạc Liêu, nhất là bảo vệ chất lượng và thương hiệu của con tôm xuất khẩu Việt Nam.

Sản xuất tôm giống chất lượng cao - thế mạnh hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu (nông  dân thả tôm giống nuôi theo mô hình công nghiệp).

PHẢI ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG

Từ thực trạng phát triển của ngành tôm ở Bạc Liêu cho thấy, các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết và hợp tác, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để khai thác, phát huy có hiệu quả giá trị của con tôm và hướng đến xây dựng vùng ĐBSCL trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của quốc gia, thay vì tỉnh nào cũng muốn mình trở thành trung tâm!? Và chỉ có liên kết bền chặt với nhau thì các tỉnh mới có thể giải quyết được những “điểm nghẽn” và hàng loạt các “nút thắt” cho phát triển con tôm. Cũng như, tạo nên tiếng nói chung trong kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách mang tính cấp vùng, nhất là các vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, khai thông tín dụng đặc thù cho con tôm và cả những chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hay nói cách khác, các tỉnh phải xác định đúng thế mạnh của mình và phân công trách nhiệm trong chuỗi giá trị của ngành tôm. Bài học kinh nghiệm này đã được các nước phương Tây áp dụng từ lâu mà việc lắp ráp một chiếc máy bay Boing được làm từ nhiều quốc gia đã khẳng định tính chuyên nghiệp, chất lượng và tạo ra khả năng cạnh tranh độc quyền. Bởi có một thực trạng là trong Quy hoạch phát triển của các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 gần như tỉnh nào cũng có khát vọng phát triển mạnh nghề nuôi trồng, chế biến con tôm xuất khẩu và chọn con tôm làm khâu đột phá. Xét ở tầm vĩ mô, trong phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287 của Chính phủ thì trung tâm đầu mối về thủy sản nước mặn gắn với vùng nguyên liệu của khu vực ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh là Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau chứ không phải là Bạc Liêu. Do vậy, Bạc Liêu phải nỗ lực rất nhiều trong việc hình thành một trung tâm cho riêng mình trong chuỗi giá trị của ngành tôm mà chuyển giao các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống hàng đầu quốc gia. Đây mới chính là mục tiêu mà Bạc Liêu phải hướng đến và cũng là giải pháp duy nhất để Bạc Liêu không bị bỏ lại phía sau khi Bạc Liêu đã không hội đủ các điều kiện về thiên thời và địa lợi, nhất là về hạ tầng giao thông đến nay Bạc Liêu có đến “4 không” (không cảng biển, không hàng không, không đường sắt và không có những tuyến cao tốc) để Bạc Liêu phá thế “ốc đảo”!?

Mạnh dạn đề xuất vấn đề trên, bởi Bạc Liêu đã hội đủ các tiền đề để thực hiện khát vọng khi tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 22% cả nước) với công suất thiết kế trên 40 tỷ post/năm.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh xử lý một cơ sở thu mua tôm tổ chức bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu ở TX. Giá Rai.

Nói thế để thấy rằng, nếu Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau được xác định là trung tâm của vùng nguyên liệu chuyên sản xuất tôm và chế biến tôm xuất khẩu, thì Bạc Liêu sẽ là địa phương chuyên cung cấp con giống chất lượng cao cho các địa phương này và hướng đến phục vụ cả nước, thậm chí xuất khẩu tôm giống sang nước ngoài, nhất là trong điều kiện một số nước hiện nay đang có nhu cầu nhập khẩu tôm giống chất lượng cao. Làm được việc này, Bạc Liêu sẽ chủ động tránh được nguy cơ bị tách biệt trong điều kiện giao thông kết nối giữa các vùng chưa nhiều và hình thành nên mối liên kết vùng bền chặt khi Bạc Liêu đảm nhiệm một khâu quan trọng cho một mặt hàng đem về kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước. Mặt khác, các tỉnh cũng giảm đi một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị ngành tôm và có điều kiện tăng cường đầu tư cho những khâu quan trọng khác như: tập trung sản xuất hàng hóa lớn, chế biến sâu, hoặc trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhất là khi siêu cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng đưa vào khai thác.

Sự phân công lao động này sẽ chủ động tránh tình trạng nguồn lực đầu tư bị phân tán, manh mún trong điều kiện nguồn đầu tư từ ngân sách không nhiều. Cũng như, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của mình. Qua đó, hình thành nên những liên kết bền chặt và tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát huy tối đa giá trị của con tôm vùng ĐBSCL.

CẦN CÁI BẮT TAY THẶT CHẶT

Mục đích của liên kết vùng ngoài tạo nên sức mạnh và tiếng nói chung, còn là vấn đề mang tính sống còn của con tôm vùng ĐBSCL nói riêng và cả thương hiệu của con tôm Việt Nam nói chung. Đó là chính là vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Với những rào cản ngày càng khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vấn nạn này nếu không được xử lý sẽ đẩy doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào cảnh tự đánh mất thị trường khi thông tin sản phẩm của doanh nghiệp đó bị phát hiện không đảm bảo về VSATTP được tung lên hệ thống có kết nối toàn cầu từ các nước nhập khẩu. Hậu quả chưa dừng ở đó, nó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác liên quan đến các giao dịch của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tiếp cận vốn vay với các ngân hàng trong, ngoài nước. Bởi có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các đơn hàng. Do vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đó không có đơn hàng thì đồng nghĩa với việc dòng vốn tín dụng sẽ “bị nghẽn”, vì các ngân hàng ngại cho vay, nhằm đảm bảo đồng vốn đầu tư và chủ động tránh rủi ro. Ông Trần Tuấn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu), khẳng định: “Nếu nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu không xử lý được sẽ đẩy các doanh nghiệp vào cảnh rủi ro, tự đánh mất thị trường, thậm chí phải phá sản”.

Với tầm quan trọng đó, việc xử lý bơm chích tạp chất và đảm bảo VSATTP luôn được Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo kịp thời bằng nhiều văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo điều hành trong nhiều năm qua, nhưng điều đáng nói là đến nay vẫn không dập tắt được vấn nạn này. Trong khi đó, các văn bản chỉ đạo đều có đủ như: Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 20 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định 2419 phê duyệt Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất… Cũng như, các tỉnh ĐBSCL đều ban hành các văn bản chỉ đạo nhưng việc phát hiện, xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”!?

Kiểm tra chất lượng tôm nguyên liệu phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: K.T - T.A

Đối với tỉnh Bạc Liêu, thực hiện Đề án 2419, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 15 để triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh và tổ chức cho Chủ tịch UBND cấp huyện ký cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh về không để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất trên địa bàn phụ trách. Cũng như, trong thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, nhất là Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Quản lý thị trường, các Đoàn liên ngành cấp huyện đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, nhằm làm giảm, làm dừng nạn bơm chích tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.

Tuy nhiên, tình trạng bơm chích tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất vẫn còn tồn tại, chưa chấm dứt hẳn. Thậm chí, biến tướng thành những chiêu trò tinh vi hơn, nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Theo đó, nói đến nạn bơm chích tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và mua bán tôm nguyên liệu có chứa tạp chất thì Bạc Liêu bị liệt kê vào danh sách một trong những tỉnh đứng đầu về bơm chích tạp chất. Đáng trăn trở nhất là có một bộ phận người dân xem bơm chích tạp chất như một nghề kiếm sống và đã tiếp tay cho vấn nạn này tồn tại chỉ vì mưu sinh.

Qua điều tra thực tế cho thấy, việc tổ chức đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn và có cảnh giới, có cổng rào sắt bảo vệ. Cũng như, cơ sở tổ chức bơm chích tạp chất lựa chọn nhà ở khu vực di chuyển được bằng xe và cả xuồng máy, hoặc khu vực trong hẻm sâu, nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc tiếp cận. Thậm chí, các đối tượng này đã móc nối để có thông tin trước khi bị kiểm tra và sẵn sàng chống đối với lực lượng chức năng…

Với vấn nạn bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu chưa có giải pháp xử lý như hiện nay thì không giải pháp hữu hiệu nào khác ngoài các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm ở vùng ĐBSCL cùng “bắt tay thật chặt” với nhau trên tinh thần trách nhiệm tất cả vì chất lượng và thương hiệu của con tôm Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu các tỉnh phải kiên quyết nói không với nạn tôm tạp chất. Ông H.V.B - Giám đốc một công ty xuất khẩu TX. Giá Rai, than: “Muốn dẹp được nạn này trừ khi nào doanh nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL quyết tâm và đồng lòng không thu mua tôm tạp chất, vì nếu doanh nghiệp Bạc Liêu nói không mua, mà tỉnh Cà Mau hay Sóc Trăng mua thì cũng như không. Mặt khác, dù biết là tôm có chứa chất nhưng doanh nghiệp phải mua, vì không mua thì không có tôm nguyên liệu để chế biến. Vấn nạn này còn kéo theo chi phí phát sinh cho doanh nghiệp trong việc phải xử lý tôm bẩn thành tôm sạch mới có thể chế biến. Đáng quan tâm là hình thức xử lý này còn chứa dựng nhiều rủi ro, nếu xử lý không hết con tôm bẩn bị “lọt lưới” xen lẫn với con tôm sạch trong hàng xuất khẩu thì doanh nghiệp chỉ có… chết”.

Qua đó cho thấy, giải pháp liên kết chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín gắn với doanh nghiệp và nông dân như đã phân tích chính là giải pháp căn cơ trong giải quyết vấn nạn này. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, vì “sức khỏe” của ngành tôm khu vực ĐBSCL đã đến lúc phải cảnh cáo trước nguy cơ kém phát triển từ các nước xuất khẩu mạnh về con tôm đã và đang cạnh tranh khốc liệt với con tôm Việt Nam về giá bán, thị trường và cả chất lượng. ĐBSCL có diện tích nuôi tôm hơn 740ha, chiếm trên 92% diện tích nuôi tôm cả nước và cho tổng sản lượng chiếm gần 84%. Tuy nhiên năm 2023, do ảnh hưởng lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng giảm cùng với hàng tồn kho lớn đã làm cho giá xuất khẩu giảm gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm 17% so với năm 2022 và chỉ đạt 9 tỷ USD. Trong đó, con tôm sụt giảm nhiều nhất với 20%, nhất là giá xuất khẩu giảm rất sâu. Cụ thể, con tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ cuối năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Trong đó, giá tôm giảm 31% từ mức đỉnh 14,7 USD/kg tháng 8/2022 xuống còn 10 USD/kg vào tháng 10/2023. Cùng với sụt giảm giá tôm xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất tôm lớn được nuôi theo quy trình đại công nghiệp như Ecuador, Ấn Độ và đưa hàng xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc với giá thấp hơn từ 15 - 20% so với giá tôm Việt Nam.

Riêng hoạt động sản xuất, nuôi trồng và xuất khẩu tôm ở nhiều tỉnh của khu vực ĐBSCL từ đầu năm 2024 đến nay khởi sắc chưa nhiều và có nơi không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể tỉnh Bạc Liêu, diện tích nuôi trồng thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ thực hiện hơn 140.340ha, thu hoạch 123.953ha, với sản lượng 147.671 tấn, và chỉ đạt 34,02% kế hoạch. Riêng kim ngạch xuất khẩu chỉ thực hiện hơn 463 triệu USD và chỉ đạt 40,05% so với kế hoạch.

Phát huy giá trị con tôm xuất khẩu vùng ĐBSCL và khát vọng xây dựng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm về nuôi tôm công nghiệp của quốc gia sẽ đi về đâu khi nạn mạnh ai nấy làm vẫn còn tồn tại và vùng ĐBSCL sẽ còn giữ được vị thế của mình trong bức tranh tổng thể của quốc gia?! Bởi qua “Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023” được VCCI Cần Thơ công bố vào cuối năm 2023 đã đặt ra nhiều vấn đề và nỗi lo cho ĐBSCL trước nguy cơ tục hậu, kém phát triển. Từ vị trí cao hơn mặt bằng chung của cả nước, nay giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Nếu 2 thập niên trước, ĐBSCL đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước, thì đến nay tỷ trọng này chỉ còn 12%. Sự tương phản giữa một quá khứ đầy tự hào và hiện tại kém tươi sáng là ẩn ý đằng sau một nhận xét “Đồng bằng đi trước về sau”. Đây thật sự là vấn đề đáng trăn trở và gióng lên một hồi chuông cảnh bảo trong việc chung tay hành động thông qua liên kết vùng bền chặt, có trách nhiệm và tất cả vì lợi ích chung cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của vùng đất Chín Rồng.

KIM TRUNG - KIÊN NHẪN

 

Ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT: Xem xét, đề nghị bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng xử lý hành vi vi phạm về tạp chất vào nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm

Để giải quyết vấn nạn này, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và đề án, kế hoạch ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cho đối tượng là người dân vùng nông thôn và phụ nữ.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 2419 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất và Kế hoạch 15 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Song song đó, tăng cường công tác giám sát địa bàn, vùng nuôi và đánh giá nhu cầu thị trường, thời điểm có nguy cơ cao bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Từ đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn vấn nạn này. Đồng thời, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gắn với nêu tên cơ sở, doanh nghiệp vi phạm về bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu hoặc sản xuất, mua bán nguyên liệu có chứa tạp chất. Cũng như, công bố đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về tôm tạp chất cho ông Hà Văn Buôl, điện thoại 0938778181.

Một giải pháp quan trọng khác là tích cực hối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển nguyên liệu thủy sản; chủ trọng các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và các địa bàn giáp ranh giữa các huyện hoặc với các tỉnh bạn. Đặc biệt, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng tham gia thực hiện giám sát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có chứa tạp chất…

Đặc biệt, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã ký kết phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau và tới đây cũng sẽ ký kết phối hợp với các tỉnh trong khu vực Nam sông Hậu (các tỉnh trọng điểm nuôi tôm), nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Đồng thời, phối hợp truy xuất đến nguồn gốc và cả đích đến của các lô tôm tạp chất để xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công an xem xét, đề nghị bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng xử lý hành vi vi phạm về tạp chất vào nhóm tội phạm về an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cũng như, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát các lô tôm xuất khẩu và kiên quyết xử lý nếu có vi phạm. Đồng thời, có ý kiến với Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), bên cạnh việc xử lý hành chính của cơ quan chức năng, thì Hiệp hội phải có giải pháp xử lý hội viên cố tình thu mua tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.

 

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Con tôm Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng

Con tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất tôm lớn như: Ecuador, Ấn Độ… Do vậy, muốn phát triển bền vững và tạo ra khả năng cạnh tranh, góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD trong năm nay, con tôm Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng thông qua việc tăng cường đầu tư và phát triển theo chiều sâu trong chế biến các mặt hàng hóa trị gia tăng cao. Và chỉ có đi theo con người sản xuất hàng giá trị gia tăng cao, con tôm Việt Nam mới tạo được sự khác biệt, nhất là con tôm sú được nuôi trên đất lúa cho chất lượng cao. Cũng như, phải quan tâm đến phát triển con tôm sú, vì con tôm thẻ chân trắng chính là lợi thế của Ecuador.

Năm 2024 này, người nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên khó có khả năng tạo nên những đột phá cho ngành tôm. Do vậy, cùng với tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa phương thức nuôi cần khai thác và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ nội địa trong điều kiện xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng dự báo xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ tiếp tục tăng và dự báo đến năm 2030 tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) sẽ đạt bình quân 2,4%/năm, do người tiêu dùng ngày càng thay đổi cách sống và có sự hiểu biết sâu rộng về lợi ích của protein từ hải sản so với protein từ động vật, nhờ vậy kéo theo nhu cầu sử dụng hải sản tăng cao. Cùng với đó, người tiêu dùng hiện nay rất thông minh nên sẽ lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là có chứng nhận bền vững, tính bảo tồn và thân thiện với môi trường. Hay nói cách khác là những sản phẩm có trách nhiệm vừa đảm bảo phúc lợi cho động vật, nhưng cũng vừa tốt cho sức khỏe…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.