Văn hóa - Nghệ thuật
Qua Gành Hào… nhớ điệu hoài lang
Tôi yêu vùng đất phương Nam, yêu quê hương Bạc Liêu sông nước. Khi biết nghe nhạc, tôi thích đờn ca tài tử, vọng cổ, bản Dạ cổ hoài lang, có lẽ tất cả đều bắt đầu từ mẹ. Mẹ tôi thích nghe cải lương, vọng cổ lắm. Ngày xưa chưa có tivi, hễ mỗi lần có đoàn cải lương về làng diễn, mẹ bỏ cả cơm chiều để đến sớm cho kịp có chỗ ngồi. Sau này cha mua đầu đĩa, tối nào trước lúc đi ngủ, mẹ cũng đều nghe một bản tài tử hoặc tân cổ giao duyên.
Lớn lên, tôi đi học xa, tôi biết nhiều hơn về miền Nam “hai mùa mưa nắng”, về Bạc Liêu có biển Gành Hào thân quen mà từ nhỏ tôi đã biết qua những ca khúc mẹ hay nghe. Bạc Liêu đẹp trong tôi, như những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm bên mẹ…
Hoàng hôn ở cảng Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: H.T |
Vũ Đức Sao Biển là người Quảng Nam, nhưng trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này, có một thời gian dài gắn bó với Bạc Liêu, với miền Tây chín nhánh Cửu Long. Có lẽ được sống tại nơi đây, cảm mến tình đất tình người sông nước mà ông đã sáng tác nhiều ca khúc trữ tình đặc sắc về miền Tây và Bạc Liêu. Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông về vùng đất này. Mỗi lần qua Gành Hào, đi dạo dọc theo bờ sông, đeo tai nghe nghe Phi Nhung thể hiện ca khúc ấy, trong tôi dâng tràn những cảm xúc khó tả, bởi những âm điệu buồn thương da diết. Sông Gành Hào thật đẹp, nhưng có cái gì đó mênh mông, cô quạnh. Người Gành Hào gần gũi, chân tình và cũng có một chút gì tha thiết. Có lẽ tôi đã cảm tính khi nhận định như vậy, cũng có thể từ ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mà tôi có cảm tưởng như vậy.
Mỗi lần ghé Bạc Liêu, tôi cũng thường nghĩ về nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhớ về bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Tôi thích nghe Dạ cổ hoài lang, nhưng phải là người miền Tây ca thì mới đúng điệu. Bản nhạc đượm buồn, chất chứa bao nỗi niềm thương nhớ, ai đã một lần nghe qua, dù không phải cùng một hoàn cảnh với người chinh phụ cũng sẽ chạnh lòng. Tôi hay đùa với đám bạn ở Đông Hải rằng: “Quê hương của bậu sao mà có duyên với những nhạc sĩ tài hoa, nơi ấp ủ cho ra đời những bài hát nổi tiếng”. Cũng như Vũ Đức Sao Biển, Cao Văn Lầu không phải là người Bạc Liêu nhưng cuộc đời gắn liền với vùng đất này. Những ngày tháng của tuổi thơ cơ cực, những năm tháng học đàn, đi hát tại Bạc Liêu và miền Nam lục tỉnh đã nuôi nấng tài năng của ông. Cuộc đời ông là tấm gương sáng ngời về phẩm cách và tâm huyết với nghề, với âm nhạc truyền thống dân tộc. Bằng lòng ngưỡng mộ đối với một nhạc sĩ tài năng, người làm khởi sắc âm nhạc truyền thống, đưa đờn ca tài tử lên một bước phát triển mới, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về Cao Văn Lầu, như cách để trả món nợ tuổi thơ khi tôi lớn lên bằng những giai điệu tài tử có công lao của ông đóng góp. Mỗi lần đến TP. Bạc Liêu, tôi đều ghé thăm Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cúi đầu trước di tượng ông, thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.
Mỗi lần về Bạc Liêu, qua Gành Hào, tôi cũng không quên tìm mua cho mẹ những băng đĩa cải lương, tân cổ mới. Mẹ tôi vui lắm, bởi bộ sưu tập băng đĩa cổ nhạc của bà ngày thêm phong phú. Tôi cũng vui, vì làm được điều nho nhỏ cho mẹ.
Đất Bạc Liêu phóng khoáng, người Bạc Liêu nghĩa tình, có lẽ vậy mà nơi đây từng níu chân những người nhạc sĩ tài hoa, từng chắp cánh cho những khúc ca nổi tiếng bay bổng, và bây giờ, lại níu chân một người thích lãng du đây đó, như tôi…
PHẠM TUẤN VŨ
- Ngành Tư pháp Bạc Liêu: Hoạt động đổi mới, hiệu quả
- Mức xử phạt nồng độ cồn trong năm 2025
- Phân cấp UBND tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường từ ngày 6/1/2025
- Toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đang cất giữ
- Tổ đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri huyện Phước Long và huyện Đông Hải