Biến đổi khí hậu: Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Thứ Hai, 21/05/2018 | 17:20

Bài 1: Nhiều tác động tiêu cực

Bài 2: Phải sống chung và thích nghi

 “Xác định biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi. Phải biến thách thức thành thời cơ” - đó là định hướng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Với chủ trương và định hướng chiến lược phát triển của Thủ tướng, Bạc Liêu đã lựa chọn những mô hình sản xuất thích ứng với tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với mặn, hạn hán... phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời triển khai nhiều dự án trồng rừng, chống xói lở, gây bồi, tạo bãi tại các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh.

 Ông Dương Thành Trung (bìa trái), Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng ven biển.

 Mô hình cánh đồng sinh thái lúa - tôm ở thị trấn Phước Long (huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ

CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH SẢN XUẤT

BĐKH đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực ĐBSCL trong suốt thời gian dài và chưa có dấu hiệu chựng lại khi thời tiết ngày càng cực đoan, đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, một số tỉnh khu vực ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... sản xuất nông nghiệp được xem là kinh tế chủ lực. Vì vậy, để chủ động thích ứng với BĐKH, tạo sinh kế cho người dân thì việc xây dựng, chuyển đổi các mô hình nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất là một trong những giải pháp đang được nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL triển khai thực hiện, trong đó có Bạc Liêu.

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tại huyện Hồng Dân. Qua hơn 15 năm (2001 - 2017) thực hiện việc chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác lúa, tôm kém hiệu quả sang mô hình luân canh tôm - lúa ở một số địa phương vùng Bắc Quốc lộ 1A (như huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, TX. Giá Rai) đã mang lại hiệu quả tích cực. Hầu hết các hộ áp dụng theo mô hình luân canh tôm - lúa đều đạt hiệu quả kinh tế khá cao, có thu nhập ổn định, đời sống không ngừng cải thiện.

Ông Phan Thanh Duy, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Huyện đang khuyến khích nông dân ở vùng nuôi tôm gặp khó khăn về nguồn nước mặn chuyển sang mô hình lúa - tôm để thích ứng với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết hiện nay”.

Ngoài huyện Hồng Dân, TX. Giá Rai cũng khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Ông Châu Thành Khế (xã Tân Phong, TX. Giá Rai) - hộ áp dụng mô hình lúa - tôm với diện tích hơn 1ha, bày tỏ: “Mô hình lúa - tôm phát triển tốt, ít rủi ro và cho lợi nhuận khá cao. Trong điều kiện thường xuyên xảy ra hạn, mặn thì sản xuất theo mô hình lúa - tôm là hiệu quả nhất”.

Qua khảo sát thực tế, các nhà nhà khoa học khẳng định, mô hình lúa - tôm không chỉ thích ứng với BĐKH, mà còn giúp cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời dịch bệnh, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân. Vì vậy, đây sẽ là mô hình mang tính bền vững có thể phát triển ở khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Nhìn vào thực tế địa phương và khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, việc chuyển đổi sản xuất theo mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm là giải pháp thích hợp, có hiệu quả. Theo kế hoạch phát triển diện tích sản xuất lúa - tôm, Bạc Liêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 đạt từ 35.000 - 40.000ha và định hướng đến năm 2030 là 43.000ha lúa - tôm.

GÂY BỒI, TẠO BÃI, TRỒNG RỪNG

Để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, thời gian qua, Bạc Liêu đã đưa ra nhiều giải pháp, dự án công trình và phi công trình để bảo vệ các đê, kè ven biển và tài sản, sinh kế cho người dân. Trong đó, tỉnh ưu tiên giải pháp gây bồi, tạo bãi trồng rừng chắn sóng biển, chống xói lở. Cụ thể, tỉnh đã triển khai thực hiện 3 dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng với diện tích hàng trăm héc-ta ở phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); xã Long Điền Đông và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải).

Sau gần 2 năm triển khai, dự án kè mềm chắn sóng tạo bãi, trồng rừng tại Bạc Liêu đã phát huy tác dụng. Những vạt rừng mắm xanh tươi cao quá đầu người ở bãi bồi từ huyện Hòa Bình kéo dài xuống huyện Đông Hải như cánh tay nối dài chắn sóng bảo vệ đất liền. Đây được xem là giải pháp căn cơ để bảo vệ khu vực ven biển Bạc Liêu trước BĐKH và nước biển dâng.

Trồng rừng ven biển sẽ đem lại nhiều nguồn lợi, song, để thực hiện thì không phải chuyện dễ. Đối với những vị trí có nhiều sóng to như thị trấn Gành Hào, tỉnh phải áp dụng phương pháp đê cứng để chống và phá sóng từ xa. Sau đó mới gây bồi và tạo bãi cho đến khi ổn định thì mới trồng rừng. Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ba dự án gây bồi, tạo bãi, trồng rừng có chiều dài hơn 20km (trên tổng chiều dài bờ biển Bạc Liêu là 54km). Việc thực hiện các dự án này nhằm tạo tiền đề, thí điểm, rút kinh nghiệm để thực hiện gây bồi, tạo bãi, trồng rừng trên toàn tuyến ven biển Bạc Liêu”.

Dự án trồng rừng ven biển của tỉnh bước đầu đã mang lại thành công rất lớn. Song, để rừng ven biển phát triển tốt thì rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chung tay của người dân trong việc bảo vệ rừng. Qua đó, để những cánh rừng thật sự là “lá chắn” và là “lá phổi xanh” điều hòa cân bằng hệ sinh thái ven biển, hơn hết là giữ được rừng phòng hộ để bảo vệ cuộc sống của người dân trước những cơn giận dữ bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào của biển bởi tác động từ BĐKH.

 MINH ĐẠT - HOÀNG LAM

-----------------------------------------------

Phát biểu tại buổi tọa đàm Giải pháp ứng phó hạn, mặn các tỉnh ĐBSCL trước sự BĐKH, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sống người dân, các địa phương cần có mô hình sản xuất phù hợp để đảm bảo đời sống cho người dân nông thôn. Đồng thời, tiến sĩ Nghĩa khẳng định, mô hình lúa - tôm tỉnh Bạc Liêu là một trong những mô hình thích ứng với BĐKH rất hiệu quả. Vì vậy, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần khuyến khích và nhân rộng mô hình để nông dân áp dụng vào sản xuất.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.