Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Cần có chính sách bình ổn giá tôm
Cùng với cây lúa, con tôm là một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh. Thế nhưng lâu nay, giá tôm nguyên liệu luôn bị thả nổi và người nuôi tôm hoàn toàn ở thế bất lợi khi giá tôm có sự biến động. Nhiều bà con nuôi tôm kiến nghị, tỉnh cần có giải pháp bình ổn giá tôm như nhiều mặt hàng nông sản khác.
Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi theo quy trình công nghệ cao. Ảnh: P.V
Nếu như ở đầu vụ nuôi tôm, các sản phẩm đầu vào tăng giá trở thành nỗi ám ảnh của nông dân thì gần một tháng nay, giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi đã khiến nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Chọn quyết định nuôi tiếp thì không biết khi nào giá tôm mới phục hồi trong khi chi phí thì ngày một tăng; còn nếu thu hoạch sớm thì cùng lắm cũng chỉ thu hồi vốn, thậm chí có hộ còn thua lỗ nặng. Anh Lưu Hoàng Quân (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) cho biết: “Với giá tôm như hiện nay mà xuất bán thì cầm chắc thua lỗ do chi phí đầu vào tăng cao, đó là chưa kể công sức mình bỏ ra suốt mấy tháng ròng rồi còn bao nhiêu là chi phí lặt vặt khác. Phải chi giá tôm cũng bình ổn như nhiều mặt hàng khác thì nông dân đỡ lo biết mấy”.
Theo nhiều hộ nuôi tôm, bên cạnh việc xem xét giải pháp hỗ trợ giá tôm trong điều kiện người nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay thì các cấp, các ngành cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý, kiểm soát giá cả, chất lượng các sản phẩm đầu vào phục vụ cho ngành tôm để hạn chế tình trạng người nuôi mua phải hàng nhái, hàng dỏm nhưng phải gánh hậu quả thật.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại gây tâm lý bức xúc cho người sản xuất - kinh doanh. Kịp thời thông tin đến người dân và doanh nghiệp diễn biến nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả để người dân chủ động sản xuất.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, dự kiến trong tháng 8 đến hết tháng 9/2021, tổng sản lượng tôm trên địa bàn tỉnh khoảng 50.106 tấn và sản lượng xuất bán ra thị trường khoảng 45.000 tấn. Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp và các nhà máy chế biến trong tỉnh vẫn thu mua thủy sản cho nông dân, góp phần giảm áp lực về đầu ra đối với mặt hàng thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, giá thu mua tôm hiện nay giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, do các nhà máy giảm công suất, không có công nhân vì thực hiện giãn cách để phòng chống dịch.
Để giúp bà con nuôi tôm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, yên tâm nuôi tôm, tỉnh cùng các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các tồn tại, vướng mắc. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính “thời vụ”, còn về lâu dài, để giúp người nuôi tôm cũng như cả ngành tôm phát triển ổn định, phát huy hết giá trị kinh tế mà nó mang lại thì rất cần có giải pháp bình ổn giá tôm một cách căng cơ.
P.V
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận