Chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa

Thứ Tư, 15/05/2024 | 16:50

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành của tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm “Phòng ngừa chủ động - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Một tuyến lộ nông thôn thuộc huyện Vĩnh Lợi bị sạt lở. Ảnh: C.L

Diễn biến phức tạp, khó lường

Những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn: mưa, bão, triều cường, lốc xoáy… ngày càng diễn biến khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, ngay cả trong mùa khô người dân cũng phải gánh chịu những tác động tiêu cực do thời tiết gây ra, nhất là sụt lún và sạt lở đất.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), trong đợt nắng nóng vừa qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt đo được vượt trên 440C. Nắng nóng không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân mà còn khiến nguồn nước phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt bị thiếu hụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trong đó có cả một số tỉnh, thành ở khu vực miền Tây vốn được biết đến như vùng nước ngọt ổn định của cả nước với những vườn cây, ruộng lúa xanh tươi.

Nắng hạn, nguồn nước ngọt cạn kiệt còn làm cho tình trạng xâm nhập mặn trở nên gay gắt. Ngoài ra, việc mực nước ngầm sụt giảm đã khiến cho nhiều tỉnh, thành xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún, gây hư hại nhiều đến hạ tầng nông thôn, nhà cửa, vườn tược của người dân. Mới đây, sụt lún, sạt lở đã gây thiệt hại hơn 1km đường nông thôn trên địa bàn huyện Hồng Dân. Còn tại một số vùng ven biển của tỉnh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn tiếp tục diễn ra dù các cấp, các ngành đã chủ động mọi phương án vận hành, điều tiết nguồn nước sạch từ các trạm bơm tập trung để giải cơn khát cho bà con giữa mùa đại hạn.

Ông Võ Văn Lễ (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân), than thở: “Những năm gần đây, thời tiết đúng là diễn biến ngày một thất thường. Lúc thì nắng nóng như ngồi trên chảo lửa, lúc thì mưa dông, sấm chớp đì đùng khiến nông dân không dám ra đồng... Tôi nghĩ cứ đà này, sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Chuyển từ thế bị động sang chủ động

Thời gian qua, công tác PCTT được các cấp, các ngành thực hiện tốt, có hiệu quả thiết thực. Theo đó, việc xây dựng phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, theo hướng từ bị động sang chủ động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thiên tai được thực hiện tương đối chính xác, giúp các ngành, địa phương triển khai các phương án ứng phó với các tình huống hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mặc dù làm tốt công tác dự báo, song, những năm gầy đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan với cường độ mạnh, nhất là mưa bão, dông lốc, sấm sét rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt, Bạc Liêu lại là một tỉnh thuần nông, nhiều kênh rạch lại thường xảy ra tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa, gây ra nhiều thiệt hại về đường sá, nhà cửa và tài sản của người dân. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, hành động “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” sẽ góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, giảm thiểu những tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.

Theo dự báo, mùa mưa bão 2024 kéo dài từ tháng 7 - 9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11 - 13 cơn trên biển Đông; 5 - 7 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão. Dựa trên dự báo này, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó như: lập phương án sơ tán dân tránh trú bão; hướng dẫn người dân thực hiện việc chằng chống nhà cửa, công trình không đảm bảo khi có gió bão, lốc xoáy; chặt tỉa cành cây đề phòng gió mạnh gây đổ ngã; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm, cơ số thuốc y tế, các trụ sở, trường học kiên cố để phục vụ công tác sơ tán dân tránh bão, áp thấp nhiệt đới.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi xuống giống nên tuân thủ theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp. Thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn kịp thời phục vụ cho tàu thuyền hoạt động trên biển phòng tránh khi có gió mạnh trên biển, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện; hướng dẫn cách neo đậu tàu thuyền trú bão tránh bị va đập; củng cố, kiện toàn phương tiện cứu hộ, cứu nạn… “Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 64 xã, phường, thị trấn đã thành lập được đội xung kích PCTT cấp xã với trên 4.180 người tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, giúp xử lý nhanh các tình huống thiên tai tại cơ sở và triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra”, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.

Ngành NN&PTNT tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng các công trình, dự án trọng điểm PCTT. Có thể nói, việc chủ động các bước “phòng từ sớm, tránh từ xa” là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chí Linh

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2023, các loại hình thiên tai làm 14 người chết, 4 người bị thương, sập 229 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 11 tỷ đồng. 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.