Hiệu quả cánh đồng lớn gắn với ô đê bao khép kín

Thứ Sáu, 24/05/2024 | 16:11

Việc phát triển cánh đồng lớn (CĐL), hình thành vùng sản xuất tập trung, từng bước hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín gắn với trạm bơm nhằm chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp đã chứng thực được hiệu quả. Các sản phẩm làm ra có số lượng đủ lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo mối liên kết giữa “bốn nhà”, tăng giá trị nông sản và giảm giá thành sản xuất.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở cánh đồng lớn của HTX Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

XÂY DỰNG CÁC CÁNH ĐỒNG LỚN

Hiện nay, toàn tỉnh có 102 CĐL với diện tích canh tác 29.891/74.070ha, chiếm 38,66% tổng diện tích gieo trồng. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, các địa phương đã xây dựng các CĐL gắn với liên kết bao tiêu, chương trình IPM, mô hình bổ sung phân hữu cơ, chứng nhận VietGAP, mở rộng giống lúa ST24, ST25, BL9 và ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất lúa với diện tích 2.802ha. Hiện toàn tỉnh có 52 mã số vùng trồng (MSVT) với diện tích hơn 4.390ha. Riêng MSVT lúa là 47 với diện tích gần 4.295ha. Trong đó, có 40 MSVT nội địa với diện tích gần 4.100ha và 7 MSVT lúa xuất khẩu với diện tích gần 195ha.

Để triển khai ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên từng cánh đồng, các ngành chức năng tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa (3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, bón phân thông minh)… với tổng diện tích 161.000ha. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến sản xuất lúa an toàn, sản xuất hữu cơ; lợi nhuận sản xuất lúa của nông dân tăng thêm từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha, chất lượng lúa gạo không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Song song đó, các địa phương cũng đầu tư ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm để chủ động nguồn nước tưới cũng như xổ úng. Ông Trịnh Văn Ngang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), cho biết: “HTX có 152 xã viên với hơn 210ha đất sản xuất lúa chất lượng cao. Toàn bộ diện tích của HTX nằm trong CĐL nên được đầu tư ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện. Do diện tích lớn, HTX đã kiến nghị và được huyện, tỉnh đầu tư thêm một trạm bơm điện nên đã phát huy hiệu quả ô đê bao và chủ động nguồn nước tưới cũng như tiêu úng”.

Cánh đồng lớn ở Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) nằm trong ô đê bao khép kín gắn với trạm bơm điện.

Ô ĐÊ BAO GẮN VỚI TRẠM BƠM

Điển hình việc xây dựng các CĐL trong ô đê bao khép kín kết hợp trạm bơm phải kể đến huyện Vĩnh Lợi. Là huyện thuần nông nên Vĩnh Lợi tập trung xây dựng các CĐL trong ô đê bao khép kín kết hợp trạm bơm để thích ứng trước biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn huyện có trạm bơm phục vụ 15 ô đê bao khép kín với khoảng 2.000ha. Trong đó, có 8 trạm bơm điện 3 pha, 11 trạm bơm điện 1 pha.

Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Thời gian qua, huyện luôn quan tâm đầu tư hạ tầng như ô đê bao, trạm bơm tập trung… phục vụ cho sản xuất lúa. Bằng nhiều nguồn lực, huyện đã từng bước hoàn thiện dần các ô đê bao, trạm bơm tập trung cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa của huyện. Đồng thời, gia cố bờ bao đảm bảo phục vụ cho người dân bơm tát tập trung”.

Đối với TX. Giá Rai, năm 2023, địa phương này đã xây dựng 1 trạm bơm tại khóm 13, phường Láng Tròn phục vụ cho 218ha đất trồng lúa. Về ô đê bao phục vụ cho sản xuất lúa - tôm được xây dựng tại ấp 18, xã Phong Thạnh A đã đưa vào vận hành, sử dụng năm 2021, phục vụ cho diện tích 3.000ha. Qua đó góp phần cho người dân giảm chi phí bơm tát, chủ động thời gian điều tiết nước để thực hiện đồng loạt 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trong khu vực ô đê bao. Riêng ô đê bao phục cho vùng chuyên lúa, TX. Giá Rai đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trình Sở NN&PTNT thẩm định hồ sơ. Công trình thiết kế xây dựng phục vụ cho 7.000ha vùng chuyên canh lúa phục vụ các xã: Phong Thạnh Đông, Phong Tân, phường Láng Tròn và Phường 1. Đặc biệt, TX. Giá Rai quan tâm xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình lúa - tôm; đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các ô đê bao khép kín.

Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Toàn - Trưởng phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “UBND thị xã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng với UBND các xã, phường tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhân rộng mô hình CĐL đối với cây lúa. Phát huy tối đa công suất, hiệu quả Dự án lúa - tôm khép kín 3.000ha xã Phong Thạnh A, cũng như nhân rộng mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm ở các xã, phường có điều kiện”.

Để ngành Nông nghiệp phát triển mang tính bền vững, thiết nghĩ tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi, đảm bảo đủ nước cho sản xuất. Nhất là ưu tiên kinh phí đầu tư các ô đê bao khép kín, trạm bơm phục vụ các vùng sản xuất lúa tập trung, lúa - tôm. Đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, dịch vụ logistics để vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án “Phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh xây dựng CĐL gắn với bao tiêu lúa, gạo đạt 100.000ha, chiếm trên 51% diện tích gieo trồng. Phát triển thêm nhiều CĐL gắn với việc cấp MSVT; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Bạc Liêu để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng.

Phát biểu tại hội nghị liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản tổ chức ở huyện Phước Long, ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: “Xây dựng các CĐL gắn với ô đê bao khép kín và trạm bơm trong thời gian qua ở các địa phương rất hiệu quả. Các CĐL đã thành lập được các HTX, góp phần trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.