Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản
Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 138.900ha, Bạc Liêu được coi là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển nghề nuôi trồng. Hiện Bạc Liêu đang tập trung phát triển thế mạnh này và đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là nhân rộng các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh.
Kênh thủy lợi (huyện Hòa Bình) bị bồi lắng gây khó cho việc cấp, thoát nước và bảo vệ môi trường.
Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình thâm canh trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Cùng với lợi nhuận mang lại từ con tôm, nghề nuôi tôm cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Trong đó, quản lý và xử lý nước thải, bùn thải sao cho hiệu quả không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống thủy lợi ở nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất, tình trạng bồi lắng nhanh từ các kênh nội đồng đã gây khó cho quá trình cấp và thoát nước…
Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, nước thải, bùn thải trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh thường chứa nhiều thành phần và có khả năng làm ô nhiễm môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, vì nước thải trong nuôi tôm siêu thâm canh thường có hàm lượng các chất hữu cơ cao (thông qua đo chỉ số BOD5 và COD), các chất dinh dưỡng (phốt-pho, ni-tơ), chất rắn lơ lửng, amoniac, coliforms (vi khuẩn)…
Riêng bùn thải trong quá trình nuôi tôm còn chứa các nguồn thức ăn dư thừa bị phân hủy, phân tôm, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất diatomit, dolotime, lưu huỳnh lắng đọng… gặp điều kiện yếm khí sẽ tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như khí H2S, NH3, NO2, CH4…
Tất cả những yếu tố gây hại trên, nếu không được quản lý và xử lý triệt để sẽ làm thay đổi chất lượng nguồn nước phục vụ các mô hình nuôi tôm khác như: nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp, tôm - rừng… trong điều kiện các khu vực, hộ nuôi đều sử dụng chung nguồn nước cấp từ các kênh nội đồng.
Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục Thủy sản Bạc Liêu: Để quản lý và bảo vệ tốt môi trường, cần thực hiện nhiều giải pháp. Đó là việc bố trí, thiết kế công trình nuôi bắt buộc phải bố trí diện tích khu xử lý nước thải để xử lý nước và bùn thải đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài. Diện tích ao xử lý nước thải và chất thải phải có diện tích tối thiểu 10% tổng diện tích khu nuôi.
Về kỹ thuật áp dụng biện pháp tách chất thải hữu cơ, sau đó ép thành từng bánh tròn để dùng làm phân bón. Đầu tư hầm ủ biogas (hầm có thể tích khoảng 20m3) để xử lý lượng chất thải hữu cơ sau khi được tách ra, nhằm bảo vệ môi trường và tái sử dụng chất thải thành gas đun nấu mật đường hoặc sinh hoạt cho hộ gia đình. Sau khi tách chất thải rắn để dùng vào các mục đích nêu trên, riêng nguồn nước thải còn lại sẽ đưa ra hệ thống để xử lý bằng giải pháp lọc tuần hoàn sinh học kết hợp nuôi cá rô phi. Trường hợp nguồn nước thải có mang mầm bệnh thì tiến hành thêm một bước xử lý - đó là xử lý bệnh bằng hóa chất, sau đó mới đưa ra hệ thống tuần hoàn sinh học kết hợp nuôi cá. Nguồn nước này sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, nếu cần có thể tái sử dụng. Riêng phần nước đáy còn lại, nếu muốn xả thải ra môi trường công cộng thì phải thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, khi nguồn nước đạt các thông số trong bảng sẽ thải ra môi trường. Bên cạnh đó, đối với rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được cho vào thùng chứa có nắp đậy. Thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa/lắng. Riêng vỏ tôm và xác tôm lột chết có thể tận dụng để làm thức ăn cho gia súc và cá, hoặc dùng làm phân bón cho cây.
Về quản lý nhà nước, đối với dự án đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh có diện tích mặt nước từ 10ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng thẩm định; chỉ được phép triển khai hoạt động nuôi trồng thủy sản khi báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt. Đối với các dự án, cơ sở, hộ gia đình và cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh có diện tích nhỏ hơn 10ha thì phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác nhận. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp với các địa phương trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (đặc biệt là thanh tra, kiểm tra về chất lượng nước thải). Kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh và nguồn giống nhập tỉnh; cơ sở kinh doanh thức ăn, thức ăn bổ sung, thuốc, hóa chất…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về cơ chế chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân được hưởng chính sách theo quy định hiện hành; tạo điều kiện cho các hộ tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm…
TÚ ANH
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024