Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP: Vì một Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững
Để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời, đề ra mục tiêu tới năm 2050 và tầm nhìn tới năm 2100 phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng ĐBSCL. Với ý nghĩa đó, Chính phủ vừa tổ chức hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH tại TP. Cần Thơ, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 120 và đề ra những giải pháp chiến lược cho vùng đất Chín Rồng cất cánh vươn xa.
Thi công kè chống sạt lở và ứng phó với nước biển dâng ven biển Bạc Liêu.
TÍCH CỰC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 120
Sau 3 năm ban hành (từ tháng 11/2017), Nghị quyết 120 đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng đối với vùng đất giàu tiềm năng nhưng còn không ít khó khăn trong khai thác tiềm năng, thế mạnh. Từ khi Nghị quyết ra đời đến nay đã hơn 3 năm, thời gian tuy không dài nhưng đã thật sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách; Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực, quy hoạch kết nối liên vùng; Đảng bộ, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, thách thức. Các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển đã tích cực tham gia và hỗ trợ hiệu quả; nhất là đại đa số người dân đã đồng tình, ủng hộ và chủ động tham gia, mang lại hiệu ứng rất tốt. Có thể nói, Nghị quyết đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự quan tâm sâu rộng cũng như tạo nên tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, từ khi Nghị quyết 120 được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện tốt nghị quyết này với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương trong tỉnh. Cụ thể, đối với phát triển nông nghiệp, Bạc Liêu đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển thủy sản, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và tôm - lúa, hướng tới mục tiêu “Phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm cả nước”. Đồng thời, giảm dần diện tích lúa ở những vùng kém hiệu quả; từng bước hình thành các khu vực sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với công nghệ chế biến, chuỗi giá trị nông sản. Vì vậy, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do BĐKH, nhưng ngành Nông nghiệp của Bạc Liêu vẫn liên tục tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một lĩnh vực quan trọng và mang tính “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong tương lai và phù hợp định hướng của Nghị quyết 120 là Bạc Liêu tập trung phát triển mạnh năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong đó, ngoài dự án điện gió Bạc Liêu 99,2MW là dự án lớn nhất nước đang vận hành trên biển, thì tỉnh đang triển khai thi công 9 dự án điện gió cả trên biển lẫn trên bờ, với tổng quy mô công suất 562MW. Đặc biệt, tỉnh đang phối hợp với nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG 3.200MW, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD và đây dự án FDI lớn nhất của ĐBSCL tính đến thời điểm này.
Lúa - tôm là mô hình thích ứng với BĐKH của nông dân Bạc Liêu.
KHAI THÁC 5 “TRỤ CỘT” THEO CHIỀU SÂU
Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 120 và chỉ đạo của Chính phủ, Bạc Liêu sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tranh thủ, phát huy các nguồn nội, ngoại lực để thực hiện các đột phá và các nhiệm vụ trong tâm. Đó là tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh dựa vào 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khai thác chiều rộng sang chiều sâu theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; phát triển, sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời, năng lượng gió phù hợp với yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, xây dựng, thực hiện một cách hiệu quả các dự án lớn; phát triển hạ tầng đa mục tiêu: giao thông, thủy lợi, thích ứng với BĐKH… để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn. Rà soát, xây dựng các tiêu chí xác định và đầu tư dự án, công trình ứng phó với BĐKH quy mô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, dự án đã ký kết hoặc đã phân vốn để sớm phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, quy hoạch chi tiết về đất đai, tài nguyên nước, không gian biển theo 3 vùng kinh tế sinh thái mặn, ngọt, lợ. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực; khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL.
Mặt khác, tỉnh sẽ đẩy mạnh điều tra, đánh giá, xây dựng và triển khai các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng địa phương nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH về hạn hán, xâm nhập mặn; phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển. Trước mắt, tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu của tỉnh Bạc Liêu, trong đó tích hợp các cơ sở dữ liệu của các sở, ban ngành phục vụ công tác quản lý, định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các quyết định đầu tư…
Với những mục tiêu và giải pháp trên, Bạc Liêu sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết 120 và cùng với vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.
LƯ TRUNG - THANH LIÊM
Vận dụng “8G” cho ĐBSCL
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “G” để vận dụng trong thực tiễn.
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH tại TP. Cần Thơ.
Theo Thủ tướng Chính phủ, chữ “G” đầu tiên là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của BĐKH.
Chữ G thứ hai là Giáo. Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói giáo dục là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”. Cụ thể là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, cần phải được học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính. Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở để chuyển đổi lên bậc nấc cao hơn về năng suất và thu nhập, bất kỳ nhóm thu nhập cao của cả nước.
Chữ G thứ 3 là “Giang” (sông). Kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistics đường sông thì mới thành công. Không có dòng sông, con rạch không phải là văn hóa của miền Tây. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL. Vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120 nên nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”.
Chữ G thứ tư là “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.
Chữ G thứ 5 là “Giàu”. Đó là tích cực thu hút những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Để có nguồn lực phát triển, cần phải xây tổ đón “đại bàng”. Muốn vậy, phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.
Chữ G thứ 6 là “Giỏi”. Đó là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng này. Vấn đề này vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót nên phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL.
Chữ G thứ 7 là “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế - xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên, nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện.
Chữ G thứ 8 là “Giới”. Tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120.
* Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đề án "Phát triển liên kết kinh tế tiểu vùng Bán đảo Cà Mau"
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, cùng với những kết quả đạt được, Bạc Liêu vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Nhu cầu đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng còn rất lớn, trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Do đó, đến nay nhiều danh mục chương trình, dự án vẫn chưa thể phê duyệt và triển khai.
Đối với toàn vùng ĐBSCL, Bạc Liêu nhận thấy có 3 vấn đề lớn cần xử lý, thúc đẩy. Thứ nhất là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là các tuyến đường liên kết vùng và đường bộ ven biển; thứ hai là xử lý cấp nước, điều tiết nước thông qua đầu tư hệ thống thủy lợi có tính liên vùng, tiểu vùng; và thứ ba là thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết 120, Bạc Liêu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung sau:
Một là, chỉ đạo sớm hoàn thành Đề tài nghiên cứu xây dựng cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL và chính thức ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện.
Hai là, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đề án “Phát triển liên kết kinh tế tiểu vùng Bán đảo Cà Mau theo hướng đột phá về cơ chế đặc thù nhằm phát triển nhanh và bền vững”, trong đó nghiên cứu tập trung vào 3 nội dung chủ yếu: Phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế biển và logistics cho nông nghiệp.
Ba là, cần tăng cường hơn nữa các nguồn lực từ Trung ương, kể cả vốn vay ODA, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng và đường bộ ven biển và các công trình ứng phó với BĐKH cho các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Bốn là, sớm nghiên cứu, có phương án xử lý cấp nước, điều tiết nước thông qua đầu tư hệ thống thủy lợi có tính liên vùng, tiểu vùng. Đồng thời, bố trí nguồn lực thích đáng để đầu tư vào các công trình này. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính sống còn đối với toàn vùng ĐBSCL, vốn có độ nhạy rất cao đối với BĐKH. Trong đó, Bạc Liêu cần ưu tiên đầu tư trước đối với 2 cống âu thuyền trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau cùng với hệ thống cống dẫn nước ngọt từ vùng Bắc về vùng Nam Quốc lộ 1A để trữ nước ngọt, đồng thời góp phần pha loãng độ mặn phục vụ phát triển nuôi tôm nước lợ.
Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm càng xanh trên đất trồng lúa.
Năm là, dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW là dự án mang lại nhiều hiệu quả rất tích cực và đa chiều không chỉ cho tỉnh Bạc Liêu, cho vùng ĐBSCL mà còn nhiều yếu tố khác về quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà nếu không xử lý kịp thời sẽ không đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề này, tỉnh đã làm việc và được các bộ, ngành ủng hộ rất cao, nhất là Bộ Công thương, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của các bộ và một số vấn đề có tính chất liên bộ. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp để xử lý tháo gỡ.
L.D (lược ghi)
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
- Xô xát vì mâu thuẫn trên tàu cá, 1 người chết, 1 người bị thương
- Phong trào nông dân gặt hái nhiều thành quả trong năm 2024