Dự thảo Luật Công chứng, vì sao cần sửa đổi?

Thứ Sáu, 21/06/2024 | 16:28

Qua 10 năm triển khai thi hành, cùng với những kết quả đạt được, Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nhằm tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, đã đặt ra yêu cầu xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) thay thế cho Luật Công chứng năm 2014.

Một trong những văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P

NHỮNG BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN

Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng Việt Nam là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định phạm vi công chứng chưa thật sự phù hợp (xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng), do đó chưa thật sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.

Chất lượng đội ngũ công chứng viên (CCV) chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ CCV trong xã hội.

Việc hợp danh của CCV tại Văn phòng công chứng (VPCC) ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và bổ sung thành viên hợp danh mới tại VPCC còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một VPCC.

Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) tại một số địa phương còn lúng túng, không đồng đều, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển. Chỉ tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhất là sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề bị bãi bỏ, có tình trạng nhiều VPCC xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có VPCC hoạt động.

DỰ THẢO CẦN TIẾP TỤC ĐƯỢC GÓP Ý, ĐIỀU CHỈNH

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng hiện hành, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Dự thảo tiếp tục xác định công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với CCV, TCHNCC, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển các TCHNCC ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, dự thảo Luật bổ sung quy định người muốn bổ nhiệm CCV phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). Bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành Tư pháp… Quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn.

Đóng góp cho dự thảo Luật Công chứng, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tại kỳ họp lần này cũng đã cho ý kiến đối với một số vấn đề. Trong đó, đại biểu Trần Thị Thu Đông đề xuất tuổi hành nghề công chứng phải phù hợp với tuổi nghỉ hưu hiện nay, không thống nhất quy định tuổi làm CCV theo dự thảo là không quá 70 tuổi. Đại biểu Nguyễn Huy Thái đề nghị chỉnh lý quy định của dự thảo luật theo hướng, loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng với văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đối với các địa bàn khác, chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Lý do vì trong điều kiện của nước ta hiện nay, khó có thể chọn một mô hình tối ưu, cần có giải pháp phù hợp trên cơ sở cân nhắc, chọn lựa thêm tiêu chí để hướng đến sự hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu thực tiễn.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.