Quốc phòng - An ninh
Đủ kiểu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua cuộc gọi, tin nhắn
Chưa lúc nào, người dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội gặp nhiều phiền toái như hiện nay. Các đối tượng lừa đảo tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản đối với những ai nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác. Trong một phút lơ là, người dân có thể bị lừa mất tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng…
Các chiêu thức lừa đảo. Ảnh chụp lại: T.H
Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội
Ngày 29/5, qua công tác trinh sát, lực lượng an ninh kinh tế đã phát hiện ông P.T.D (huyện Đông Hải) bị nhóm đối tượng lừa đảo chuyển tiền bằng phương pháp tải app giả danh trang web có logo Bộ Công an, với số tiền gần 170 triệu đồng. Xác định đây là thủ đoạn lừa đảo của đối tượng, trinh sát của Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) đã nhanh chóng tiếp cận, yêu cầu ông D. ngưng chuyển tiền và rút hết tiền ra khỏi tài khoản (số dư hàng chục tỷ đồng), đồng thời liên hệ ngân hàng đổi mật khẩu, xã xác thực OTP, tránh bị chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo.
Mới đây, Giám đốc Công an tỉnh đã khen thưởng đột xuất đối với Giám đốc Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Bạc Liêu vì đã cảnh giác ngăn chặn kịp thời vụ một khách hàng bị lừa chuyển tiền gần 1 tỷ đồng. Trước đó, bằng ý thức cảnh giác và kiến thức nghiệp vụ của mình, Giám đốc PGD đã kịp thời phát hiện nghi vấn trong trường hợp khách hàng đến yêu cầu chuyển số tiền 950 triệu đồng vào tài khoản riêng của nhóm đối tượng mạo danh Bộ Công an (với lý do tài khoản đang bị đối tượng lừa đảo kiểm soát thông tin, cần chuyển hết tiền để phục vụ công tác điều tra, truy tìm) nên đã liên hệ với cơ quan chức năng để yêu cầu khách hàng ngưng giao dịch và tiến hành các bước đảm bảo an toàn tài khoản. Phòng An ninh Kinh tế đã đề xuất Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan điều tra tiếp nhận, xác minh vụ việc, mở rộng công tác điều tra theo thẩm quyền, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật đối với hành vi trên của nhóm đối tượng.
Theo Công an tỉnh, tình hình tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã liên tục triệt phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt nhiều đối tượng thực hiện trên 400 hồ sơ lừa đảo thông qua ứng dụng cho vay của các ngân hàng với số tiền tính bằng tỷ. Trong đó, có trường hợp bị lừa thông qua mạng Internet chiếm đoạt số tiền trên 30 tỷ đồng.
Đối với Bạc Liêu, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan công an đã phát hiện, đấu tranh xử lý trên 200 vụ việc, liên quan đến 250 đối tượng. Trong đó có 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến 7 đối tượng. Đặc biệt, qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã khởi tố 1 vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội” trên địa bàn thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) hòng chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng của người dân.
“Điểm mặt” các chiêu trò
Trước tình tình tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây lo lắng cho người dân, Bộ Công an đã cảnh báo về các phần mềm gián điệp được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại mang tên “Bộ Công an” nhằm lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản đặc biệt nguy hiểm. Đồng thời yêu cầu người dân nêu cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện các phương thức, thủ đoạn chủ yếu của dạng tội phạm này để tránh bị lừa cũng như kịp thời thông tin, hỗ trợ lực lượng công an xử lý các đối tượng.
Một số phương thức phổ biến hiện nay, các đối tượng sử dụng dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, số điện thoại, mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép với yêu cầu như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào tài khoản đối tượng cung cấp.
Đối với mạng xã hội, chúng chiếm quyền điều khiển tài khoản của người bị hại, tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị…, sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
Có nhiều trường hợp tấn công hộp thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền. Bên cạnh đó, có việc giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân, giữ bí mật thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
T.H
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Trao 176 suất học bổng cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn