Xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Thứ Sáu, 14/12/2018 | 16:05

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) là nhân tố cốt lõi, nền tảng để nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ (2015 - 2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định “xây dựng thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân” là một nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, tạo chuyển biến từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Bài 1: Toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng vững mạnh

Bài 2: Phát huy sức mạnh tổng hợp

Tặng quà cho thanh niên TP. Bạc Liêu lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng tỉnh huấn luyện quân sự võ thuật. Ảnh: P.T.C - N.Q

Sức mạnh nền QPTD không đơn thuần hoặc chủ yếu là sức mạnh quân sự, mà bao gồm tổng thể các hoạt động về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và cả thời chiến.

Ổn định chính trị

Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, quan điểm, tư tưởng về xây dựng nền QPTD của Đảng đã xác định rõ bản chất, mục tiêu và nội dung của nền QPTD toàn diện, độc lập, tự chủ, tự vệ và ngày càng hiện đại. Xây dựng tiềm lực quốc phòng phải đồng bộ, nhiều lực lượng, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị tinh thần. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.

Đối với Bạc Liêu, mặc dù tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai… gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, song nhìn chung, tình hình chính trị, tư tưởng vẫn được giữ vững, ổn định. Tỉnh ủy đánh giá cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Đồng thời thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, qua đánh giá, phân loại chất lượng bình quân hàng năm (từ năm 2008 - 2018): tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh là 51%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 74%.

TP. Bạc Liêu là một trong những địa phương thực hiện tốt các mặt công tác nêu trên, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thường xuyên quan tâm xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Phan Như Nguyện, Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu, cho biết: “Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện, trọng tâm là xây dựng chi bộ quân sự xã, phường (hiện nay 100% có cấp ủy). Đồng thời gắn xây dựng Đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo, điều hành địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ”.

Kinh tế kết hợp quốc phòng

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đề ra 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), trong đó, trụ cột thứ năm là phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN). Đó là sự cụ thể hóa quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng về phát triển KT-XH kết hợp với QP-AN. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, phát triển công nghiệp quốc phòng. Nhờ đó tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 8,36%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2018 ước tính 26.019 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 là 6,5%/năm, tương đương mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (41,5%), tiếp đến là nông nghiệp và ngành công nghiệp - xây dựng. Đây là lần đầu tiên tỷ trọng nông nghiệp xếp thứ hai trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đối với huyện Phước Long, năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 7,78% (cao hơn mục tiêu đề ra); thu nhập bình quân đầu người là 47 triệu đồng/năm, cao hơn trung bình của cả tỉnh; thu ngân sách trên 50 tỷ đồng, hoàn thành trước 1,5 tháng. Theo ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long: “Huyện luôn xác định phát triển KT-XH kết hợp với QP-AN nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, không có xảy ra vụ việc gì lớn. Cùng với đó là thực hiện tốt diễn tập quân sự, vận hành cơ chế, chính sách hậu phương quân đội”.

Phát triển KT-XH kết hợp với QP-AN thể hiện ngay từ bước đầu tiên là lập quy hoạch, kế hoạch. Ông Phạm Thành Hiến, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, chia sẻ: “Trong quá trình Sở tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH trong từng giai đoạn đều gắn với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, có tính lưỡng dụng cao. Hầu hết các dự án đầu tư xây dựng phát triển KT-XH của tỉnh đều được thẩm định về mặt QP-AN”.

Sự kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược trong quy hoạch tổng thể của tỉnh được triển khai đồng bộ, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nuôi trồng thủy sản, phân vùng sản xuất nông nghiệp theo tuyến Quốc lộ 1A, xây dựng các khu dân cư nội ô và tuyến biển, chỉnh trang đô thị, các dự án đều gắn với khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để xây dựng và bảo vệ các địa bàn trọng điểm.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.