Quốc tế

50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023)

Hiệp định Paris - đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thứ Sáu, 27/01/2023 | 17:54

 

Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris - hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris (Pháp). Đây là bước ngoặt lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh: T.L

Từ năm 1965, cùng với việc đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao, với danh nghĩa “để giải quyết vấn đề Việt Nam” nhưng thực chất là “đòi Việt Nam thương lượng không điều kiện”. Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm của Nhân dân Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, tháng 5/1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris đã diễn ra đầy cam go, phức tạp, kéo dài gần 5 năm, với hàng trăm phiên công khai và bí mật, với khoảng 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức, kết thúc cuộc đàm phán lâu dài nhất, khó khăn, phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao của nước ta.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có 9 chương 23 điều, với những điều khoản quan trọng, như: Mỹ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình...

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 191 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, với tổng thể các mối quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên Hiệp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Bối cảnh tình hình khu vực và thế giới hiện nay có nhiều thay đổi với diễn biến khó lường nhưng những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử tại Paris cách đây nửa thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên giá trị và cần được vận dụng hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

H.L.K (tổng hợp từ nguồn QĐNDO)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.