Thanh thiếu niên

Tổ chức Đoàn có còn gần thanh niên? Bài 2: Đi tìm lời giải đáp

Thứ Hai, 19/03/2018 | 16:44

Bài 1: Khoảng cách giữa thanh niên và Đoàn

Bài 2: Đi tìm lời giải đáp

Nhìn từ thực tế thì công tác thu hút, đoàn kết, tập hợp đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) là mảng yếu của tổ chức Đoàn hiện nay. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do tổ chức Đoàn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra của ĐV-TN, hoạt động Đoàn chậm đổi mới, thiếu tính sáng tạo, hấp dẫn... Ngoài ra còn do sự gắn kết giữa tổ chức Đoàn với ĐV-TN còn khá lỏng lẻo, nhất là ở địa bàn dân cư.

 Một buổi sinh hoạt Đoàn ở địa bàn dân cư.

 Thanh niên làm việc tại Nhà máy sản xuất và gia công hàng may mặc Hàn Quốc (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.L

Đoàn chưa đáp ứng nhu cầu của ĐV-TN

Có một vấn đề xuất phát từ thực tế hiện nay là ngoài trình độ nhận thức nhất định, hoạt động Đoàn còn đòi hỏi những người “thủ lĩnh” thêm nhiều yếu tố khác. Đó là sự nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về những điều mà thanh niên mong muốn từ tổ chức chính trị của tuổi trẻ. Để từ đó có nhiều hoạt động cũng như có hình thức sinh hoạt phù hợp, phong phú nhằm thu hút thanh niên vào tổ chức Đoàn.

Trò chuyện với nhiều bạn trẻ, được biết nhu cầu lớn nhất hiện nay của họ là cần được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để lập thân, lập nghiệp. Trong khi đó, các hoạt động Đoàn được tổ chức ít gắn với việc chăm lo nhu cầu, lợi ích chính đáng của ĐV-TN mà lồng ghép với các nhiệm vụ chính trị địa phương khô khan, cứng nhắc. Ở các chi đoàn địa bàn dân cư, nội dung sinh hoạt thường đơn điệu, ít sáng tạo, chưa theo kịp nhu cầu, nguyện vọng của ĐV-TN và sự chuyển dịch nhanh của kinh tế thị trường khiến nhiều bạn trẻ không hứng thú đến với tổ chức Đoàn. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận hết vai trò của Đoàn Thanh niên, bởi thời gian qua, tổ chức Đoàn cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ giúp ĐV-TN phát triển kinh tế, tư vấn, giới thiệu việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, số lượng ĐV-TN được giúp đỡ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số hàng trăm ngàn thanh niên của tỉnh đang cần sự trợ lực để vươn lên, tiến thân trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi đã đến xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) tìm hiểu thực tế. Được biết, toàn xã hiện có 11 chi đoàn địa bàn dân cư và công tác tập hợp ĐV-TN là rất khó. Theo Bí thư Xã đoàn - Nguyễn Văn Dương, đa phần thanh niên ở đây đi làm ăn xa, số còn lại có mặt ở địa phương chủ yếu là lao động chính của gia đình nên không mặn mà với các hoạt động của tổ chức Đoàn. Trung bình mỗi chi đoàn địa bàn dân cư có từ 10 - 12 đoàn viên, nhưng đây chỉ là con số bề nổi, thực chất mỗi khi có hoạt động, tập hợp được 5 - 6 đoàn viên đã là nhiều. Dù tổng số đoàn viên gần 200, nhưng trong năm 2017, Xã đoàn Vĩnh Phú Tây chỉ vận động các nguồn lực xã hội tặng được 7 ao cá giúp ĐV-TN phát triển kinh tế, trong khi còn rất nhiều ĐV-TN có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cũng mong muốn được hỗ trợ để có việc làm, cải thiện cuộc sống. Và khi nhu cầu, ý nguyện không được đáp ứng thì việc ĐV-TN rời xa tổ chức Đoàn là điều tất yếu.

Chưa có nhiều hoạt động bổ ích

So với các chi đoàn ở địa bàn dân cư thì công tác tập hợp ĐV-TN ở khối trường học có vẻ thuận lợi, dễ dàng hơn. Vì thế, các phong trào của Đoàn trong trường học cũng diễn ra sôi nổi với đông đảo ĐV-TN, học sinh - sinh viên (HS-SV) tham gia. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ĐV-TN nào ở khối trường học cũng hưởng ứng nhiệt tình và tích cực với các hoạt động, phong trào của Đoàn Thanh niên. Có nhiều ĐV-TN suốt cả năm học không tham gia bất cứ hoạt động nào của Đoàn, đến khi bắt buộc hoặc gắn với quyền lợi của mình thì mới nhảy vào cuộc. Việc này xuất phát từ chính trong suy nghĩ và quan niệm của các bạn trẻ. Đối với một bộ phận HS-SV hiện nay xác định chỉ tập trung vào việc học là trên hết, còn việc rèn luyện, trau dồi các kỹ năng mềm không quan trọng, điều này cũng đồng nghĩa với việc các bạn “nói không” với tất cả các hoạt động Đoàn, Hội trong trường học. “Đối với tôi học tập để có kiến thức sau khi ra trường làm tốt công việc của mình là mục tiêu chính, còn các hoạt động Đoàn tôi thật sự không quan tâm nhiều. Vả lại, khi ra trường rồi thì cũng xong, chẳng được gì. Tới lúc đi làm cũng phải bắt đầu lại ở nơi mình làm việc”, H.M (sinh viên năm thứ ba, Trường đại học Bạc Liêu) thẳng thắn chia sẻ.

Còn với lực lượng thanh niên, lao động trẻ đang làm việc tại các nhà máy, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng không tha thiết với tổ chức Đoàn. Nguyên nhân được xác định là sợ… mất thời gian. Đối với lực lượng này, thời gian là “miếng cơm manh áo”. Thay vì thời gian tham gia vào các hoạt động Đoàn thì họ dành để tăng ca sẽ có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Chị M.C, nhân viên tại một nhà máy trên địa bàn TP. Bạc Liêu, bày tỏ: “Những người làm công nhân như tôi hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy mà không mặn mà với bất kỳ hoạt động nào của Đoàn, vừa mất thời gian, vừa không có thu nhập. Khi cuộc sống chưa ổn định thì tôi không nghĩ đến việc tham gia vào tổ chức Đoàn. Công việc vất vả nên sau khi kết thúc một ngày làm việc, tôi muốn dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình”. Điều này bộc lộ một thực trạng: hoạt động Đoàn chưa thật sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của thanh niên do các hoạt động, phong trào của Đoàn chưa có ý nghĩa bổ ích và cần thiết với ĐV-TN!

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút, đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn như: thiếu kinh phí nên hạn chế trong việc tổ chức các phong trào, năng lực của cán bộ Đoàn khóm, ấp còn yếu kém, chưa được đào tạo và thường xuyên thay đổi. Đặc biệt là khi nhiều cán bộ Đoàn ở địa bàn dân cư có tư tưởng buông lỏng, không có sự gắn kết với thanh niên… Vì vậy, muốn thanh niên tự nguyện đến với tổ chức Đoàn và thu dần khoảng cách giữa Đoàn với thanh niên thì cần có những giải pháp linh hoạt, thiết thực và hiệu quả hơn.

HUỲNH MAI - UY PHÁT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.