Tiêu điểm

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học: Doanh nghiệp là lực lượng tiên phong

Thứ Hai, 08/07/2024 | 16:34

Có thể nói, phát triển công nghệ sinh học (CNSH) là xu thế chung của thế giới và cũng là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Do vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Trình diễn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nuôi tôm.

ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG

Thực hiện Chỉ thị 50 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, những năm qua, các cấp, các ngành đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CNSH. Theo đó, CNSH nước ta có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. CNSH từng bước được hình thành, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm CNSH trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về CNSH tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, CNSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới. CNSH chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNSH còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém được nhận định chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH. Việc đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với DN trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo…

Vì vậy, Nghị quyết 36 đề ra quan điểm: Phát triển CNSH là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, phát triển và ứng dụng CNSH phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương và lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta. Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển KT-XH. Lấy DN là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển CNSH.

Nông dân huyện Hồng Dân trúng tôm càng xanh thông qua liên kết sản xuất ứng dụng CNSH của Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề. Ảnh: L.D

CẦN TẠO CƠ CHẾ VÀ HỖ TRỢ CHO DN

Thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, thời gian qua, các ngành và địa phương đã tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và khuyến khích DN tham gia phát triển CNSH. Thế nhưng, việc ứng dụng CNSH vào sản xuất chưa nhiều và chưa tạo sự lan tỏa mạnh. Trong khi đó, nhu cầu ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp là rất lớn, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước là rất quan trọng và cần thiết.

Trên thực tế, cũng có một số tập đoàn, DN đã và đang liên kết cùng nông dân Bạc Liêu triển khai các mô hình ứng dụng CNSH. Đó là mô hình liên kết sản xuất thông qua Đề án Chuyên nghiệp hóa người nông dân của Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề với nông dân và các hợp tác xã sản xuất lúa - tôm và nuôi tôm công nghệ cao. Qua liên kết sản xuất cho thấy, việc ứng dụng sản phẩm CNSH của Bồ Đề vào sản xuất nuôi tôm, xử lý môi trường nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng… đã không ngừng phát huy hiệu quả về kinh tế và cả môi trường sản xuất. Tôm nuôi sau khi thu hoạch giá bán cao hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với nuôi truyền thống, do sản phẩm tạo ra chất lượng, tôm có kích cỡ lớn và được nuôi theo quy trình sinh học, đảm bảo tôm sạch được truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, môi trường nuôi được cải thiện rõ rệt, cải tạo đất đai bị thoái hóa bạc màu, đất nhiều phèn, ngộ độc hóa học, ngộ độc hữu cơ… và trả lại môi trường sinh thái phát triển theo hướng bền vững.

Kết quả đáng ghi nhận của liên kết sản xuất này chính là giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất từ 30 - 50% đầu vào, tăng năng suất trung bình từ 30% trở lên so với canh tác truyền thống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm cho ngành thủy sản của tỉnh và quan trọng hơn cả chính là từng bước nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNSH vào sản xuất gắn với phát triển bền vững. Qua đó, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái xanh, sạch, bền vững và góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái xanh khi trình độ của người nông dân ngày càng được chuyên nghiệp hóa theo hướng văn minh và chọn CNSH làm khâu đột phá. Chính những lợi ích thiết thực mang lại cho cộng đồng và môi trường được chứng minh này, Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chọn làm đơn vị trong thực hiện Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú - lúa hữu cơ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Rõ ràng, để hiện thực hóa Nghị quyết 36 và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu thực hiện Nghị quyết này thì vai trò của DN phải được phát huy và chọn CNSH làm khâu đột phá phải là lực lượng tiên phong trong phát triển CNSH thông qua liên kết sản xuất với nông dân. Muốn vậy, cùng với tạo mọi điều kiện cho DN, nhà đầu tư vào liên kết sản xuất với nông dân và hoàn thành mục tiêu về ứng dụng CNSH như Nghị quyết 36 đề ra, Bạc Liêu cũng cần nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ và các cơ chế hấp dẫn khác dành cho DN. Trong đó, cần quan tâm đến chính sách hỗ trợ về đất để xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm sinh học và chính sách hỗ trợ về thuế, ưu đãi về tín dụng, phát triển nguồn nhân lực.

Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng DN và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng CNSH trong xây dựng CNH-HĐH đất nước. Đồng thời, xem phát triển và ứng dụng CNSH sinh học là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Song song đó, có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng CNSH, sản xuất các sản phẩm CNSH có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng - an ninh. Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng CNSH và đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực CNSH…

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.