Tin tức

Tín dụng chính sách tham gia giải quyết việc làm và giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn

Thứ Sáu, 26/07/2024 | 09:39

Chiều 25/7, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị 40. Dự và chủ trì hội nghị có ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự hội nghị còn có bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh. 

Theo báo cáo, sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai, quán triệt đến cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai thực hiện tốt 19 chương trình tín dụng và đã cho vay trên 575.083 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 8.879 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2024 đạt 3.195 tỷ đồng với 96.356 khách hàng còn dư nợ.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh đến đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể đã giúp cho 94.062 hộ vượt ngưỡng nghèo, 109.389 lao động được tạo việc làm, 25.906 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 1.100 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 114.812 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn, 10.762 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách. Việc tập trung nguồn lực cho người nghèo, các đối tượng chính sách vay đạt được những kết quả tích cực, tăng từ 1.282 tỷ đồng lên 3.195 tỷ đồng (tăng 149,2%); trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương tăng từ 13 tỷ đồng lên 222 tỷ đồng (tăng gần 17 lần).

Các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hành Chính sách xã hội thực hiện cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 15,55% vào đầu năm 2016 xuống còn 1,24% cuối năm 2020 (giai đoạn 2016 - 2020) và từ 5,09% năm 2022 giảm xuống còn 1,71% cuối năm 2023 (giai đoạn 2022 - 2025).

Sau 10 năm thực hiện, có thể khẳng định Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều hộ gia đình trong việc bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương, hộ dân cũng đã có những chia sẻ, tham luận về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện chính sách xã hội gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò, trách nhiệm nhận ủy thác cho vay trong quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hành Chính sách xã hội…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Nguyễn Thị Hằng đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu đã tập trung bố trí, tiếp nhận, huy động được nguồn lực tín dụng chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Với việc được quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực như trên, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo; góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

 Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Nguyễn Thị Hằng cũng đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đưa ra và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Quan tâm, bố trí tăng thêm nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng phù hợp với bối cảnh của tỉnh hiện nay.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng nhấn mạnh, các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm đầu tư; đời sống người nghèo không ngừng được cải thiện. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã nhận nhận bằng khen của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 - (ảnh).

Tin, ảnh: L.D

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.