​Sổ đỏ giả - Con đường phạm tội kiểu mới

Thứ Hai, 28/05/2018 | 16:51

Sổ đỏ (nếu đúng tên gọi mang tính chất pháp lý là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) - là một loại giấy tờ hợp pháp chứng minh việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng hợp pháp đất đai của cá nhân, tổ chức. Loại giấy tờ này khi mang đi thực hiện các giao dịch dân sự đều được chấp nhận.

Việc nhiều đối tượng sử dụng sổ đỏ giả, lại có sự tiếp tay của các tổ chức được Nhà nước cấp phép hoạt động để mang đi lừa đảo là việc làm trái pháp luật. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tạo ra sự hoang mang cho người dân trong việc giao dịch chuyển nhượng, sang bán và thế chấp bất động sản, mà còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động hành chính của Nhà nước.

Bài 2: AI TIẾP TAY CHO LỪA ĐẢO?

>>Bài 1: NHỮNG PHI VỤ “HỜI”

Văn phòng công chứng Cao Thị Niềm - nơi để xảy ra 7 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tờ giả. Ảnh: P.V

Tất cả các thương vụ lừa đảo đều sử dụng sổ đỏ giả nhưng được công chứng thật. Bảy hợp đồng công chứng từ các sổ đỏ giả đều xuất phát từ một văn phòng công chứng khá nổi tiếng tại TP. Bạc Liêu. Nếu không, một điều chắc chắn, các đối tượng lừa đảo như Tăng Hoàng Mai, Cao Phan Thuận Hòa không thể nào dễ dàng lấy được tiền tỷ của các bị hại. Đó chính là điều mà dư luận hoang mang nhất, một khi những văn phòng công chứng, là tổ chức được Nhà nước cấp phép hoạt động, công chứng viên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng lại tiếp tay cho hành vi lừa đảo thì người dân biết kêu ai? Và trong những vụ án này, dư luận còn đặt câu hỏi cho vai trò, trách nhiệm của ngành Tư pháp trong quản lý hoạt động công chứng tại địa phương.

ĐƯỜNG DÂY LỪA ĐẢO CÓ TỔ CHỨC

Ngày 18/8/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của các ông Trương Quốc Việt, Trang Thành Long, Phạm Huy Khánh (đều ngụ tại TP. Bạc Liêu) về việc bị người khác lừa đảo chiếm đoạt tiền. Qua 8 tháng xác minh, cơ quan điều tra đã làm rõ một nhóm 5 đối tượng gồm Tăng Hoàng Mai, Cao Phan Thuận Hòa, Cao Hùng Em, Hứa Minh Tiến, Phan Thị Thanh Thúy có hành vi làm, sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để cầm cố cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Để thực hiện hàng loạt các vụ lừa đảo, Mai phân công Hòa có trách nhiệm đặt làm giả các giấy tờ như sổ đỏ, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu từ thông tin mà Mai có được. Hòa sẽ là người dùng tên giả trực tiếp tiếp xúc với người bị hại để thực hiện các vụ mua bán, cầm cố đất vì Hòa là người từ địa phương khác đến, ít bị nghi ngờ. Số tiền chiếm đoạt được trừ tiền hoa hồng cho các cò đất, tiền làm giấy tờ giả, chi trả cho những người ở văn phòng công chứng đã được móc nối để làm trái pháp luật, còn lại chia đôi cho Mai và Hòa.

Tăng Hoàng Mai sẽ là người chịu trách nhiệm thu thập các thông tin về thửa đất để cung cấp làm sổ đỏ giả, liên hệ với cò đất tại TP. Bạc Liêu để nhờ môi giới các hợp đồng sang nhượng, móc nối với người tại văn phòng công chứng để việc lừa đảo không bị người bị hại phát hiện. Nhờ quen biết với nhiều người trong lĩnh vực đất đai, đối tượng Mai dễ dàng nhờ cán bộ ngân hàng tên Lê Văn Hưng xin phô-tô các sổ đỏ của những thửa đất trên đường Ninh Bình (phường 2, TP. Bạc Liêu) rồi sửa các thông tin cần làm giả. Tiếp đó, Mai móc nối với Cao Hùng Em, Hứa Minh Tiến (đều làm việc tại văn phòng công chứng Cao Thị Niềm) để hai đối tượng này giúp cho việc công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tờ giả không bị phát hiện. Trong đó, Cao Hùng Em sẽ kiểm tra sổ đỏ giả trước khi đưa người bị hại đến, đối chiếu với hệ thống thông tin lưu trữ trong máy tính tại văn phòng công chứng để loại trừ các trường hợp bị phát hiện, đồng thời Hùng Em và Minh Tiến sẽ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ ban đầu để soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng. Mỗi lần trót lọt, các đối tượng ở văn phòng công chứng sẽ nhận được từ 20 - 50 triệu đồng cho một lần công chứng giấy giả.

KHI CÔNG CHỨNG BỊ LỢI DỤNG ĐỂ LỪA ĐẢO

Theo lời trình bày của ông Trang Thành Long, một bị hại trong vụ án, thì việc công chứng có trường hợp là nhân viên văn phòng công chứng mang hồ sơ đến tận nhà riêng cho ký tên vào hợp đồng rồi tự mang hồ sơ về văn phòng công chứng cho bà Cao Thị Niềm chứng thực. Việc công chứng không có sự có mặt của các bên giao dịch là vi phạm quy định tại Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 “người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên”. Tuy nhiên, Văn phòng công chứng Cao Thị Niềm đã không tuân thủ quy định này, tạo kẽ hở cho các đối tượng tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật.

Cơ quan điều tra cũng xác định, bà Cao Thị Niềm chính là người trực tiếp công chứng 7 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều là giấy tờ giả. Trong đó, 2 hợp đồng cho người tên Tăng Tuyết Bạch bán cho ông Trang Thành Long, 5 hợp đồng cho người tên Lê Thanh Nhàn (tên giả của Cao Phan Thuận Hòa) bán cho các ông Trương Quốc Việt, Trang Thành Long, Phạm Huy Khánh. Người tên Lê Thanh Nhàn không có bản chính sổ hộ khẩu nhưng vẫn được chứng thực sao y sổ hộ khẩu phô-tô. Việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở 3 hợp đồng trong số 7 hợp đồng tiền tỷ, cả bên mua và bên bán đều không có mặt trước công chứng viên mà do Hứa Minh Tiến mang hợp đồng soạn thảo sẵn đến tại nhà, sau đó mang về cho bà Niềm công chứng. Việc quản lý lỏng lẻo cùng những sai phạm trong hoạt động công chứng đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo nhiều người dân, gây hoang mang trong hoạt động quản lý tư pháp về công chứng, nhất là trong giao dịch chuyển nhượng, sang bán và cầm cố bất động sản.

Thời gian qua, việc liên tục nhiều văn phòng công chứng tư có dính đến các vấn đề về pháp luật hình sự cần phải được ngành Tư pháp nhìn nhận một cách thấu đáo, nghiêm túc. Bên cạnh đó, đối với những văn phòng công chứng có dấu hiệu vi phạm, phải nhanh chóng xử lý theo đúng quy định của ngành, tránh dư luận hoang mang không tốt như hiện tại.

P.V

------------------------------------------------

Một số quy định liên quan đến hoạt động công chứng tại Luật Công chứng 2014

- Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

- Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.