Báo Minh Hải - Niềm tự hào của các thế hệ nhà báo

Thứ Tư, 19/06/2024 | 16:42

>> Bài 1: Những người từ trong chiến khu ra làm báo

Bài 2: Cái lò đào luyện những nhân tài báo chí và văn học - nghệ thuật

Năm 1980 tôi về báo, Báo Minh Hải lúc đó xuất bản mỗi tuần 1 số, từ 4 trang rồi lên 8 trang cũng có chuyên trang, chuyên mục, nội dung rất sát với nhiệm vụ chính trị và đời sống của Nhân dân và dĩ nhiên nói một chiều là chủ yếu.

Đến năm 1985 - 1986, xuất hiện những bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh (bút danh NVL) trên Báo Nhân Dân với “Những việc cần làm ngay”, là phát pháo lệnh cho công cuộc đổi mới của Đảng. Chủ điểm là lấy dân làm gốc, dân chủ hóa, tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Báo Minh Hải hồ hởi tiếp nhận chủ trương này như một dòng chảy của tức nước vỡ bờ, tâm nguyện đã được thực hiện. Lấy cảm hứng từ lấy dân làm gốc, tự do ngôn luận theo chủ trương mới, Báo Minh Hải tổ chức thông tin chống tiêu cực theo nguyện vọng bấy lâu bị đè nén của Nhân dân. Những vụ án báo chí công khai nổi đình nổi đám lúc bấy giờ là: Vụ án Lữ Anh Dồi, vụ Giám đốc Công ty Lương thực - Tám Khôi, vụ Bí thư xã Vĩnh Trạch - Hai Nghé, vụ Giám đốc Sở Giao thông… Tôi còn nhớ vụ nào mà báo Minh Hải khui ra, đối tượng bị báo nêu không ở tù thì cũng bị khai trừ Đảng. Giọng điệu, tinh thần của báo Minh Hải lúc bấy giờ “có gan có thép”. Kẻ xấu thì sợ, Nhân dân hồ hởi, thỏa lòng, tin tưởng báo chí. Tôi nhớ khoảng năm 1986, Trưởng Ban quản lý chợ TX. Bạc Liêu dẫn người vây đánh một thanh niên tên Món, nhiều tiểu thương vây lấy bênh vực Món, mặt khác cử người đến thông tin cho Báo Minh Hải biết và họ “canh me” buổi chiều báo phát hành mà kéo đến tòa soạn mấy trăm người mua báo. Báo đăng xong, Trưởng Ban quản lý chợ đi tù.

Lãnh đạo và phóng viên báo qua các thời kỳ tại buổi họp mặt kỷ niệm 25 năm Báo Bạc Liêu ra số báo đầu tiên. Ảnh: T.L

Có lúc Báo Minh Hải phát hành đến gần 100.000 tờ mỗi số, cao điểm là theo diễn tiến vụ án Lữ Anh Dồi. Nhìn lại chúng ta thấy rằng, giai đoạn khởi đầu trong cuộc đổi mới của Đảng, Báo Minh Hải đã biến chủ trương thành lợi thế, sức mạnh cho tờ báo nhằm nâng cao không khí dân chủ, tạo niềm tin trong bạn đọc, góp phần thực hiện tốt công cuộc đổi mới của Đảng ở mảnh đất Bán đảo Cà Mau xa xôi này.

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hồi tôi vào làm, báo phải đi in ở Cần Thơ nên rất bị động. Sau đó thì lãnh đạo báo xin với Tỉnh ủy thành lập nhà in. Nhà in có trụ sở ở 2 điểm, một là liền kề với trụ sở báo ở khu mé sông, chợ cải của TP. Bạc Liêu bây giờ, điểm thứ hai là cách đó 500m, cùng dãy phố. Hồi đó kỹ thuật in là sắp chữ chì, thế nhưng tờ báo in rất đẹp. Mỗi khi có bài đăng tôi hay chạy xuống nhà in, cầm tờ báo nóng hổi, màu sắc rực rỡ lên xem mà vui đến nức lòng. Hơn 1 năm sau, Báo Minh Hải lại tiếp tục thành lập cơ sở sản xuất bột giấy, gọi là xí nghiệp bột giấy, đóng đô ở Trà Kha (Phường 8, TP. Bạc Liêu bây giờ). Xí nghiệp giấy hoạt động rất tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tờ báo. Thế nhưng, đang trên đà làm ăn được thì Tỉnh ủy Minh Hải lại lấy cả hai xí nghiệp in và giấy ra khỏi Báo Minh Hải để cho Ban Tài chính Tỉnh ủy quản lý.

Vấn đề cuối cùng tôi muốn đề cập trong bài báo này về nhiệm vụ xây dựng phát triển Báo Minh Hải sau chiến tranh, đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Tôi muốn sắp nó sau cùng không phải nó là thứ yếu, mà muốn có một tư duy trên cái nhìn tổng thể, xuyên suốt. Với tôi, nó là vấn đề hàng đầu, vấn đề con người, là nguồn lực của mọi nguồn lực.

Năm 1980 tôi về báo thì đã thấy có mặt các anh, chị: Trần Chí Nhân, Lê Thông, Huỳnh Biên Cương, Phan Thanh Lê Hằng, Đỗ Tuyết Mai, Dương Thanh Long, An Khương, Nguyễn Bé, Phạm Phi Thường, Lê Hiền, Phùng Quốc Toàn, Ung Ngọc Quân, Trần Chí Thành, Doãn Binh. Sau đó thì lần lượt bổ sung đội ngũ gồm: Nguyễn Duy Hoàng, Ngô Hải, Đặng Anh Rô, Lê Việt Quân, Võ Đắc Danh, Trịnh Bích Ngân, Trần Đại Dương, Đào Thương Hồng Hạnh, Đỗ Kiến Quốc, Lâm Hùng, Đỗ Mỹ Phượng, Trần Thành Nên, Nguyễn Chiến, Trần Long Tuyền, Lữ Mỹ Nghi, Đặng Huỳnh Lộc, Bằng Phong, Huỳnh Lãnh, Huỳnh Hải, Đào Hoàng Kiền. Ngoài ra còn có những người ở phía Bắc tăng cường cho Minh Hải. Đó là chú Bùi Sanh (sau này làm Trưởng phòng Kinh tế) và chú Ba Đáng - Phó Văn phòng. Một người mà tôi cần phải kể tên trong đội quân này là Hàn Ái Tiến. Tiến về Báo Bạc Liêu sau năm 1997 khi tỉnh Minh Hải chia tách thành Bạc Liêu và Cà Mau. Thế nhưng thời Minh Hải, dù là Trưởng Đài Truyền thanh huyện Vĩnh Lợi, Tiến lại là cộng tác viên thường xuyên của Báo Minh Hải, viết tin, bài theo yêu cầu của tòa soạn. Tiến lân la chơi bời thân thiết với anh em Báo Minh Hải nhiều năm, thế nên anh em Báo Minh Hải nhìn Tiến như “người nhà”.

Đây là thế hệ thứ nhất sau hòa bình của Báo Minh Hải, là đội ngũ được rèn luyện bởi các anh, các chú từ chiến tranh đi ra. Đặt bút viết những dòng này, tôi thấy tự hào vì phát hiện sự trưởng thành lạ lùng, khó hiểu của đội quân thế hệ thứ nhất được ra lò từ Báo Minh Hải.

Người đầu tiên là anh Nguyễn Bé - Tổng Biên tập Báo Cà Mau, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh, rồi lên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và lần lượt đến các anh, chị khác như: Trần Chí Thành - Phó Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Bạc Liêu; Nguyễn Duy Hoàng - Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh; Hàn Ái Tiến - Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu; Đỗ Kiến Quốc - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau, Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau; Nguyễn Chiến - Tổng Biên tập Báo Cà Mau; Phạm Phi Thường - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau, Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh; Đào Thương Hồng Hạnh - Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên; Ngô Hải - Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau; Đặng Anh Rô - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu; Phan Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; Đỗ Mỹ Phượng - Vụ trưởng Tạp chí Cộng sản; Lê Hiền - Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau…

Có lẽ phải dùng chữ đặc biệt, cái lò Báo Minh Hải còn đào luyện ra 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đó là: Trịnh Bích Ngân, Phan Trung Nghĩa, Võ Đắc Danh. Rồi vài nhà báo có tiếng tăm ở báo chí Sài Gòn…

Như vậy, đội quân thế hệ thứ nhất ra lò từ Báo Minh Hải có đến 80 - 90% đã thành danh, thành tài, nhiều người giữ chức vụ quan trọng ở các cơ quan báo chí và văn học - nghệ thuật. Cần xem đây là một hiện tượng của báo chí. Trong lúc chúng ta đang tiến hành viết lịch sử báo chí Bạc Liêu, trong lúc đất nước ta, ngành Báo chí đang phát huy nguồn lực văn hóa như nền tảng để phát triển bền vững, thì “chiếc nôi” Báo Minh Hải là một hiện tượng đã kết tinh thành văn hóa cần phải được mổ xẻ, nhìn nhận thấu đáo.

(còn tiếp)

PHAN TRUNG NGHĨA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.