Báo Minh Hải - Niềm tự hào của các thế hệ nhà báo

Thứ Sáu, 21/06/2024 | 16:13

>> Bài 2: Cái lò đào luyện những nhân tài báo chí và văn học - nghệ thuật

Bài 3: Những “ông thầy” dạy viết báo từ chiến tranh đi ra

Tôi về báo Minh Hải lúc 20 tuổi, bước chân chạm đời từ một cái làng nghèo rớt mồng tơi vì chiến tranh đày đọa, sau giải phóng miền Nam, tôi học lớp 4 trường làng, rồi đi học trường Công Nông huyện Vĩnh Lợi, mỗi năm học 3 lớp, cho đến lớp 9 thì tôi đi làm báo. Hành trang, vốn liếng để tôi chuyển từ giai cấp nông dân sang tầng lớp trí thức chỉ vỏn vẹn như thế.

Quanh đi quẩn lại, tôi nhìn thấy những người thành công sau này hoàn cảnh cũng giống như thế. Anh Nguyễn Bé thì cha hy sinh khi còn nhỏ xíu, mẹ lại bận công tác, nên từ nhỏ anh đã ở với các cô, các chú trong các cơ quan kháng chiến. Đỗ Kiến Quốc thì cha mất sớm, ở với bà mẹ nghèo trong một làng quê xa xôi của huyện Trần Văn Thời. Nguyễn Duy Hoàng, Phạm Phi Thường, Trịnh Bích Ngân… có cha đi kháng chiến, ở nhà với mẹ, từ nhỏ đã tự kiếm miếng ăn bằng cách đi giăng câu, thả lưới, theo mẹ bồng bế gia đình từ nơi này đến nơi khác để trốn bom đạn, chẳng được học hành bao nhiêu. Võ Đắc Danh thì cha và 2 anh ruột hy sinh, sống trong một làng quê bom đạn đầy trời với mẹ. Còn Hàn Ái Tiến cũng theo gia đình chạy giặc giã về Bạc Liêu mà sống… Tóm lại đó là lớp người bị chiến tranh máu lệ đọa đày, không được học hành bao nhiêu. Họ từ trong tăm tối lạc hậu, đói nghèo mà đi ra cuộc đời rồi đến với nghề báo - một nghề của những người trí thức, hành nghề bằng trí tuệ, một nghề vốn không phải của tầng lớp họ.

Nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh - bìa phải), nguyên quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Minh Hải. Ảnh: Huỳnh Lâm

Do đặc điểm lịch sử chia tách, sáp nhập của 3 tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau, có lúc Cà Mau là của Bạc Liêu, có khi Bạc Liêu là của Sóc Trăng và ngay thời điểm các nhà báo sau chiến tranh học việc là một tỉnh Minh Hải rộng lớn của 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay. Một địa bàn rất rộng, một không gian rất xa xôi. Đó chính là lúc “cuộc đời báo chí” thực hiện quá trình trao đổi chất, kinh nghiệm được trao truyền để kết tinh thành văn hóa báo chí, tạo thêm cho mảnh đất này một tầng sâu văn hóa mà không phải ở đâu cũng có. Hồi đó chúng tôi đọc tác phẩm báo chí của nhà văn Nguyễn Mai ở Cà Mau (sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang) một cách ngấu nghiến, truyện ngắn “Mối tình năm cũ” của ông ai cũng thuộc không ít thì nhiều bởi tính đằm thắm, thủy chung của trai gái thời loạn. Chúng tôi đọc tác phẩm “Người tị nạn” của nhà Văn Lê Vĩnh Hòa ở Sóc Trăng, một con người mà sau này được nhận định là “cây đa cây đề” của văn chương miền Nam. Chúng tôi cũng đọc tác phẩm báo chí của thầy giáo Phan Ngọc Hiển (Anh hùng lực lượng vũ trang), một người vừa dạy học vừa viết văn, viết báo, vừa lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1930. Không chỉ có thế, đất Bạc Liêu còn có nhà báo Cao Triều Phát, qua Pháp viết báo cùng thời với Bác Hồ và khi chưa có Đảng, những năm 1922 - 1924 ông đã thành lập 2 tờ báo để phản kháng thực dân, bênh vực thợ thuyền. Bạc Liêu còn có nhà báo Phi Vân, đầu thế kỷ XX đã có những bài ký về đồng quê, làm ray rứt miền Nam; nhà báo Lê Trung Nghĩa với tấm lòng nhà báo chân chính đã đi đến tận cùng vụ án Đồng Nọc Nạng, vừa viết mấy chục bài báo đăng ở các báo lớn ở Nam Kỳ thời đó, vừa vận động luật sư cãi không lấy tiền cho gia đình Mười Chức.

Thế hệ được Đảng giao phó nhiệm vụ trực tiếp rèn luyện nghề báo cho chúng tôi là lớp người từ trong cuộc chiến tranh đánh Mỹ đi ra. Họ là cán bộ cách mạng nhưng khi họ dạy dỗ thì như anh, như chú. Trong mắt của tôi, trong lòng của tôi đây là những người ưu tú của đất nước, của dân tộc mình. Họ vốn là những người trẻ tuổi, cũng có cha mẹ, vợ con là nông dân hiền lành chung thủy và nhân từ, sống trong những làng quê tuy nghèo nhưng thơ mộng và êm đềm. Thế rồi những kẻ cướp nước đến, chiến tranh đến với lửa cháy rần rật, bom cày đạn xới và máu loang mặt đất, xóm làng tan tác, người thân của các anh, các chú ngã xuống giữa ruộng cày, trong hầm bí mật. Cha của anh Nguyễn Bé hy sinh khi còn trẻ, cha Đỗ Kiến Quốc chết vì đạn bom… Nên khi Đảng kêu gọi đánh ngoại xâm, giành độc lập dân tộc để tái thiết, xây dựng quê hương làng xóm, lập tức đã khơi dậy đúng khát vọng lớn của thế hệ này. Đi vì khát vọng, vì hoài bão của cá nhân, thế cho nên họ chấp nhận hy sinh, phải nói tường tận rằng thế hệ này có sự hy sinh, mất mát rất to lớn.

Tóm lại những người trực tiếp dạy dỗ chúng tôi làm báo là những người có ý chí, tinh thần, hoài bão trong ý chí, tinh thần hoài bão lớn của Đảng, của dân tộc, được trui rèn trong nguy hiểm gian khổ nên cứng như sắt và bền vững như đá. Những người như thế, trong tâm hồn họ có kháng sinh tự nhiên, ít “vi-rút” độc hại nào xâm nhập được. Những người như họ có đủ điều kiện để thu nạp các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng văn hóa. Thế nên chúng ta không lấy làm lạ rằng đa số các anh, các chú thời đó chỉ học lớp 3 - 4, cao nhất là lớp 6 - 7, thế mà họ viết báo, lãnh đạo báo chí từ kháng chiến đến hòa bình một cách đầy bản lĩnh. Đó là sức mạnh năng lượng văn hóa trong họ.

Tôi nhớ như in, năm 1980, tôi vào làm phóng viên, suốt 2 năm đầu tôi chẳng viết được một cái tin cho ra hồn do không có kiến thức nền và kinh nghiệm viết báo. Năm 1983, chú Bảy Khanh - Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Ông đề nghị Ban Biên tập chuyển tôi xuống làm công nhân xí nghiệp bột giấy, vì tôi không có khả năng viết cũng như kiến thức. Hơn thế nữa, tôi còn mắc cái tật nói lắp (cà lăm), rất hạn chế trong giao tiếp mà nghề phóng viên cần có. Chú Bảy Khanh nói có sai đâu, tôi cũng chưa bao giờ trách chú. Thế rồi anh Bảy Minh đã đề xuất với Ban Biên tập xin cho tôi ở lại 1 năm và xung phong kèm cặp tôi. Một bữa anh mời tôi vào phòng rồi cười rất tươi và bảo: Giờ “bây” (cách xưng hô của người Nam Bộ, ở cương vị anh, chú xưng hô với em, cháu) nghe, trước tiên là đọc, đọc thật nhiều vô. Đọc để nắm tình hình trong tỉnh, trong nước, đọc để nâng cao kiến thức nền. Đọc để xem vấn đề như vậy người ta viết nó, miêu tả nó ra sao mà hay. Bắt đầu là đọc Báo Minh Hải trước, để mà học tập các anh, các chú. Kế nữa thì đọc các nhà văn, nhà báo nổi tiếng của vùng đất này như: Nguyễn Mai, Lê Vĩnh Hòa, Trần Ngọc Hy… Sau nữa thì đọc các tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới để nâng tầm kiến thức và mài dũa, đánh thức tâm hồn, tư duy cho nó nhạy cảm. Hai là, viết nhiều vào, hãy viết những thứ mình yêu quý, sâu nặng, có sức huy động tất cả sự rung cảm của mình. Và phải viết vào một không gian, thời gian thích hợp, cần sự tĩnh lặng tối đa, khi đó ta mới huy động được tâm hồn và trí tuệ.

Tôi làm đúng như những lời anh Bảy Minh dạy, bất ngờ và học được những ý tứ câu cú trong bài viết của mình qua bàn tay sửa chữa của anh. Trong năm đó, tin, bài của tôi đăng trên báo Minh Hải nhích dần lên. Báo Xuân năm 1983, tôi được đăng một bài rất hoành tráng có tựa đề là “Anh Tư Sành với đất Bào Năng”, anh em Báo Minh Hải thời đó bất ngờ rồi hết lời khen ngợi, hè nhau đặt tên tôi như tên bài viết, thay vì tên Nghĩa thì họ gọi “Anh Tư Sành với đất Bào Năng”. Sau này, anh Bảy Minh hay nói với anh em cơ quan rằng nguyên nhân mà anh giữ tôi lại là: “thấy nó yêu nghề tội nghiệp”.

(còn tiếp)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.