Báo Minh Hải - Niềm tự hào của các thế hệ nhà báo

Thứ Hai, 24/06/2024 | 15:50

>> Bài 3: Những “ông thầy” dạy viết báo từ chiến tranh đi ra

Bài cuối: Cái nôi của thế hệ nhà báo sau chiến tranh

Cuối cùng, tôi muốn nói đến điều kiện thứ ba để Báo Minh Hải trở thành cái nôi rèn luyện ra lớp người thành công, nổi tiếng. Đó là điều kiện của người học việc.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một sòng nhậu, có đờn ca tài tử. Một sòng nhậu thật vui, dài đến nửa khuya và để lại nhiều dấu ấn thì không chỉ có nhạc sĩ đánh đờn hay, tài tử ca mùi mà còn cần thái độ và trình độ thưởng thức văn nghệ. Như thế văn nghệ mới đủ sức đẩy cuộc vui lên đỉnh. Nếu người đờn cứ đờn, người ca cứ ca, còn ai cũng vô hồn nói chuyện riêng tư, lời ca tiếng đờn không làm thổn thức họ thì là một sòng nhậu đờn ca hỏng, nhạt lắm. Tương tự như thế, cái lò Báo Minh Hải chỉ có lớp người dạy hay mà lớp học không “đồng thanh tương ứng” thì sẽ không có kết quả như hôm nay.

Lớp học việc làm báo sau chiến tranh chúng tôi gặp các ông “thầy” từ trong rừng đi ra chẳng những “đồng thanh tương ứng” mà còn có một sợi dây vô hình, huyền diệu liên kết chúng tôi. Ở các ông thầy này thì không có lý luận chuyên ngành gì đâu, chủ yếu chúng tôi lĩnh hội thực tiễn, lĩnh hội cái tinh thần, ý chí, hoài bão của các ông.

Nếu các anh, các chú trải qua nhiều bom đạn, hy sinh mất mát thì bọn tôi cũng là lứa tuổi trải hết tuổi thơ trong bom đạn, nhiều đau thương mất mát. Vì vậy chúng tôi sợ chiến tranh, mơ một ngày tự do, độc lập để được sống yên bình trong đất nước phồn vinh. Đó cũng chính là mục tiêu của chế độ, là hoài bão của mấy ông thầy - sự trùng khớp ngẫu nhiên mà trên cả tuyệt vời. Thế nên thực hiện nhiệm vụ nhà báo, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cơ quan giao cho giống như thực hiện ý nguyện của mình, bởi vậy chúng tôi hăng say, hết mình, máu lửa. Học trò mà tâm thế như vậy thì mấy ông thầy dạy nhanh lắm và cũng hăng say, hết mình.

Ấn phẩm báo Minh Hải: Ảnh: T.L

Mới đây, vào đầu tháng 6/2024, tôi và anh Hai Bé có một chuyến đi Hà Nội chung. Có dịp ngủ chung phòng, anh rủ rỉ rù rì những kỷ niệm của chúng tôi thời làm báo sau hòa bình: “Mày nhớ mỗi lần thông qua bài báo xuân không? Tác giả bài báo ngồi đọc bài của mình trước một hội đồng gồm Ban Biên tập, các trưởng, phó phòng. Mặt ông nào ông nấy bặm trợn như “thằng cha Tư Hậu”. Bài báo được thông qua “ngọt”, được khen ngợi thì vui đến nức trời. Bài bị chê, bị loại thì cái anh phóng viên ấy tan tác cuộc đời, mặt mày ủ ê suốt năm. Những phóng viên không được dự, ở ngoài nghe ngóng rình rập cũng buồn lây. Những anh may mắn được chọn thì đi trên mây trên gió, anh em bạn bè nói đến suốt năm. Hồi đó chúng tôi hay được gọi cái tên thứ hai như: Phan Trung Nghĩa thì gọi là “anh Tư Sành với đất Bào Năng” hay “Vĩnh Lộc bây giờ với điệu múa lăm thol”; anh Hà Phương Dũng thì gọi “Từ ngôi nhà ấy em bay lên”; anh Phạm Phi Thường được gọi là “Làng rừng”; anh Nguyễn Bé thì có tên “Cánh đồng tăng vụ”…

Một vấn đề làm nên cái đặc biệt của cái nôi báo chí Minh Hải với thế hệ sau chiến tranh là những người viết báo có lòng và giàu ký ức, là những người nhạy cảm. Bọn tôi từ trong tăm tối lạc hậu, từ cuộc chiến tàn khốc đi ra, mang trong lòng nhiều niềm đau rỉ máu. Đôi lúc bưng chén cơm lên ăn, trong cái vị hạt cơm không chỉ phảng phất mùi phù sa của đất đai xứ sở mà còn có cả mùi máu của cha, anh, mùi nước mắt của mẹ. Thế là “đất đai bỗng hóa tâm hồn” như một nhà thơ nổi tiếng đã viết.

Đối vi nghviết văn làm báo, khi đã hi đủ hai điu kin: có hoài bão, có tình yêu quê hương làng nước cháy bng thì sẽ đạt được mt cnh gii thượng tha. Phim kiếm hip Hng Kông mà chúng ta thường bt gp, một người luyện võ đến một trình độ nào đó. Vào một đêm đầy linh khí, anh ta ra đứng giữa trời mà vận nội công để thu nạp linh khí trời đất và võ công anh ta trở nên thượng thừa. Tôi hiểu, đây là một cách thu nạp nguồn lực văn hóa. Đã có hoài bão đẹp đẽ, lòng yêu quê hương chân thành là lúc ta đủ điều kiện và ta hãy ra đứng giữa trời, giữa đời mà học mà vận nội công, lập tức các nguồn năng lượng văn hóa sẽ được quy tụ trong ta.

Phàm sống trên đời, con người ta hơn nhau chưa chắc trong túi nhiều tiền hay ít. Tiền nhiều có khi bại hoại gia phong, hạnh phúc đổ nát vì ăn chơi sa đọa. Còn hàm lượng văn hóa nhiều thì được người đời kính trọng, bởi cách ta sống, việc ta làm đều thông tuệ, lễ nghĩa. Con mắt người nhiều văn hóa nhìn xuyên đất đai, xuyên thấu cuộc đời, anh ta viết báo, viết văn sẽ thâm sâu trí tuệ hơn người khác. Biết đời sống cần gì để mà viết, để mà thực hiện sứ mệnh nhà báo, nhà văn trong con người mình.

Ngược lại, một người thiếu văn hóa sẽ chạy theo thị hiếu bạn đọc, lao vào những vấn đề nhạy cảm “thằng cha này lấy con mẹ kia” thì mới sống được. Anh ta ở trạng thái như thế là vì anh ta bí đề tài, con mắt anh ta không thể thấy được những điều cao quý, vẻ đẹp lung linh của đất đai, con người đang nằm trong lòng đất, lòng đời.

Hơn thế nữa, một nhà báo thiếu hàm lượng văn hóa, thiếu tình cảm chân thành với cuộc đời thì bài viết của anh ta rất thô, rất khô. Anh ta ném cho bạn đọc một sự kiện rất thô, rất khô, thiếu xúc cảm vì vô hồn. Ngược lại, khi nắm được sự kiện rồi thì nhà báo có văn hóa sẽ ngồi bốc chữ, bỏ vào bài viết của mình bằng một tình yêu chan chứa, nên chữ nghĩa anh ta đầy hồn phách, đầy xúc cảm. Như thế thì trách nhiệm nhà nhà báo mới xong.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.