Văn hóa - Nghệ thuật
Ca dao của ngoại
Đó là những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc mà ngoại dùng để răn dạy con cháu. Chúng tôi lớn lên từ những lời dạy vần điệu dễ thuộc, nhớ lâu và nhớ cho đến tận bây giờ - sau quãng thời gian hơn 30 năm, hơn một phần ba đời người.
Kể về ngoại tôi, là nhớ về một người phụ nữ lam lũ suốt một đời. Nhà ông bà cố nghèo, sống thời bom đạn, loạn ly, ngoại không được đến trường. Cuộc sống của ngoại từ nhỏ đã gắn bó với sạp rau cải ngoài chợ. Sáng sớm ngoại theo bà cố ra chợ, đến tối mịt mới về nhà. Đến tuổi lấy chồng, ngoại cũng làm dâu trong một gia đình nghèo nên đời ngoại cũng tiếp tục gắn bó với sạp rau để còn phải xoay sở một gia đình với hai đứa con nhỏ.
Tuy ngoại không được học hành, nhưng trong cách ngoại dạy dỗ mẹ, rồi đến lứa con cháu chúng tôi, ngoại chưa bao giờ là “người dốt”! Tôi cũng không rõ ngoại học ở đâu (có thể qua lời của bà cố, của những người cùng thời với ngoại), mà trong những lời răn dạy của bà, có đầy ắp những câu tục ngữ, ca dao. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ những câu cửa miệng mà ngoại dạy mình. Một trong những câu bà hay nhắc nhiều hơn cả là câu “ác giả ác báo”. Ngoại nói, tất cả những hành động xấu của mình chắc chắn sẽ phải trả giá, không sớm thì muộn! Cho nên, ngoại khuyên con cháu sống thiện, đừng làm điều ác với ai.
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là câu cửa miệng của nhiều người khi dạy con cháu. Ngoài câu ấy, đối với mấy đứa cháu gái trong nhà, ngoại dạy thêm rằng: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, ngoại nói con gái phải ăn nói từ tốn, lễ độ, điềm đạm, để giữ gìn cái nết na, phẩm hạnh cần có ở người phụ nữ.
Minh họa: Internet
Ngồi trên mâm cơm, những đứa trẻ lóc chóc thường làm vung vãi những hạt cơm trên bàn ăn, hoặc khi thấy cháu mình ăn xong, vét chén cơm chưa sạch là ngoại đọc liền câu: “Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”. Ngoại không tay cày, tay cấy nhưng vẫn dạy con cháu mình biết trân trọng từng hạt cơm vì đó là từ mồ hôi, công sức làm nên. Rồi ngoại dạy những đứa trẻ phải chăm chỉ học hành, siêng năng để sau này lớn lên biết tự lo thân mình, không dựa dẫm vào người khác bằng câu: “Cả đời cha mẹ để cho/ Làm không, ăn có, của kho cũng rồi”. Dạy con cháu mình tu nhân tích đức, sống biết nghĩa nhân, ngoại đọc rành mạch những câu ca dao: “Nghèo mà có nghĩa có nhân/ Còn hơn sang cả mà lòng bội phu”, hay “Khi giàu thì chẳng đỡ ai/ Đến khi hoạn nạn chẳng ai đỡ mình”…
Những câu ca dao, tục ngữ của ngoại đã theo miền ký ức tôi từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Nhiều lúc bất chợt nghe lại ở đâu đó, tôi lại thầm thán phục những thế hệ người xưa, trong đó có ngoại tôi, đã dạy dỗ con cháu mình bằng kho tàng ca dao, tục ngữ quý báu ấy. Đó là những bài học nghĩa nhân hun đúc thành phẩm chất cho mỗi người, ngay từ thơ ấu. Dù ngoại không được học hành tới nơi tới chốn nhưng ca dao, tục ngữ vốn hình thành trong đời sống dân gian, đi sâu vào ý thức hệ của dân tộc và trở thành là cội nguồn đạo đức, văn hóa ứng xử của người Việt Nam nhiều thế hệ, cho nên hiển nhiên cũng đã thành “kho kiến thức” để ngoại dạy con cháu mình.
Có lần, khi thu thập tư liệu để viết bài, tôi như được quay ngược về miền ký ức thời thơ ấu bên những câu ca dao của ngoại. Đó là khi tôi lắng nghe lời phát biểu của một nhân vật đặc biệt, người đã dùng ca dao, tục ngữ khi nói về một chủ trương lớn về văn hóa của cả đất nước. Xin được trích nguyên văn một đoạn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021: “Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”; “Kính lão đắc thọ”; “Anh em như thể chân tay”; “Kính trên nhường dưới”; “Vợ ta đói rách ta thương/ Vợ người áo gấm xông hương mặc người”; “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; “Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông”; “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Thật thà là cha quỷ quái”; “Tôn sư trọng đạo”; “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”... Những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội đã được gom lại trong những câu ca dao, tục ngữ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng để cụ thể hóa khi bàn một chủ trương lớn về văn hóa.
Trong muôn vàn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, thì kho tàng ca dao, tục ngữ - một nhánh nhỏ quan trọng hình thành lâu đời ở Việt Nam - cũng đã trở thành những bài học đầu đời cho chúng ta. Như ca dao trong lời răn dạy của biết bao bà ngoại, bà nội và những người mẹ đã dạy cho cháu con mình từ lúc còn thơ.
NHẬT QUỲNH
- Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh: Chú trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp
- Các hoạt động hướng về Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
- Mồ mả bị Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, bồi thường ra sao?
- Đổi mới công tác khen thưởng: Coi trọng các tập thể, người lao động có thành tích xuất sắc