Văn hóa - Nghệ thuật
Cảm nhận từ bài báo “Vài đề xuất cho cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá”
Khi đọc bài báo “Vài đề xuất cho cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá”, tôi rất trân trọng tình cảm, kiến thức, sự giữ gìn và thấu hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử - nghệ thuật, về con người và vùng đất Bạc Liêu của những người làm báo, anh em hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung và Báo Bạc Liêu nói riêng!
Cây đờn kìm cách điệu - một biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Mỗi ý tưởng, đề xuất liên quan đến những biểu tượng văn hóa tỉnh nhà đều góp phần để Bạc Liêu phát triển đúng định hướng: lấy văn hóa làm nền tảng quan trọng để phát triển quê hương.
Là người trực tiếp thiết kế, cùng hợp tác với lãnh đạo địa phương, tôi nhận ra để có được những công trình văn hóa ấy là tình cảm, là công sức nỗ lực to lớn, là sự kiên định làm việc không ngừng nghỉ của đồng chí Võ Văn Dũng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nay là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương) cùng tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, các ban, ngành, đoàn thể, Nhân dân Bạc Liêu cùng chung sức, đồng lòng vì một Bạc Liêu phát triển thịnh vượng hôm nay và mai sau.
“Vài đề xuất cho cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá” là bài viết đầy tình cảm và trách nhiệm với biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu, các công trình văn hóa hiện đại và cũng là di sản của tỉnh nhà!
Tôi còn nhớ mốc thời gian năm 2014, khi nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì “Festival ĐCTT Nam Bộ quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014” đã được Bạc Liêu đăng cai tổ chức thành công rực rỡ! Đó là dấu son đỏ thắm tô điểm cho giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại, được gìn giữ, bảo vệ và phát huy không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Thật trân trọng và đáng tự hào!
Tiền cảnh Nhà hát Ba nón lá được chọn là nơi tổ chức nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc.
Những công trình văn hóa trên Quảng trường Hùng Vương cũng ra mắt ngay thời điểm đáng tự hào ấy! Đúng như bài báo đề cập, kể từ khi những biểu tượng văn hóa như cây đờn kìm cách điệu, Nhà hát Ba nón lá được thành hình thì khi xem trên các phương tiện truyền thông, nhìn thấy hình ảnh cây đờn kìm cách điệu, ba nón lá thì ai cũng biết đấy là Bạc Liêu.
Với thông điệp “Nghệ thuật đi vào cuộc sống”, những công trình mà Công ty Biểu Tượng Việt thể hiện đều là tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa và gần gũi với cuộc sống hiện thực. Cây đờn kìm cách điệu (biểu tượng văn hóa của tỉnh Bạc Liêu), Nhà hát Ba nón lá, biểu tượng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trên Quảng trường Hùng Vương... là những công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Bộ mà sức lan tỏa còn mang tầm ảnh hưởng trong cả nước và quốc tế, xây dựng nên thương hiệu cho vùng đất này.
Vì tâm huyết, vì trách nhiệm, vì lời cam kết với tập thể lãnh đạo tỉnh cùng Nhân dân Bạc Liêu, Công ty Biểu Tượng Việt đã hoàn thành tốt thiết kế quy hoạch Quảng trường Hùng Vương mang vẻ đẹp thân thiện, hiện đại, đảm bảo cho các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị như: tổ chức duyệt binh, chào cờ; tổ chức sân khấu hóa khi có các chương trình lễ hội lớn ngoài trời mang tính kết nối cộng đồng cao… Đặc biệt là các công trình văn hóa trên Quảng trường Hùng Vương đã tạo được dấu ấn riêng biệt cho Bạc Liêu trong tương quan với các tỉnh, thành Nam Bộ có yếu tố địa văn hóa tương tự. Thành quả đó là quá trình miệt mài khảo sát, lấy cảm hứng từ nét văn hóa đậm chất thi ca của vùng đất và con người nơi gần cuối trời Tổ quốc này.
Các công trình văn hóa kiến trúc nghệ thuật của Bạc Liêu đã góp phần rất lớn trong việc tôn vinh giá trị ĐCTT; làm rõ nét vùng đất con người Bạc Liêu hào hùng, khẳng khái, nghĩa tình; tô đẹp giá trị văn hóa nhân văn của một Bạc Liêu với 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa gắn bó, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển về mọi mặt. Thành quả đó cho thấy tâm huyết lớn lao của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo địa phương lúc ấy, nhờ đó Bạc Liêu đã thật sự tạo dấu ấn cho du khách khi đặt chân đến đây và nhìn ngắm những công trình văn hóa độc đáo mang dấu ấn rất Bạc Liêu.
Là người trực tiếp thiết kế công trình, tôi mong những đề xuất trong bài báo (về việc bổ sung phần thanh cho cây đờn kìm, phần sắc cho Nhà hát Ba nón lá) sẽ được ngành chức năng, lãnh đạo địa phương quan tâm để những biểu tượng văn hóa độc đáo tăng thêm giá trị, sức lan tỏa; khẳng định Bạc Liêu đã, đang và còn tiếp tục chuyển mình phát triển mạnh mẽ trên nền tảng truyền thống, văn hóa tốt đẹp mà địa phương sẵn có.
Họa sĩ - Kiến trúc sư HẠNH VƯƠNG
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế đóng góp rõ cho phát triển kinh tế - xã hội
- Huyện ủy Đông Hải: Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024
- Huyện Hòa Bình công nhận 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao
- Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu: Triển khai công tác tòa án năm 2025
- Tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số