Văn hóa - Nghệ thuật
Chái bếp củi ngày xưa
“Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn, coi khói đốt đồng để ngậm ngùi, chim nhớ lá rừng. Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần, biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau... Xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao, chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau…”. Lâu rồi, tôi chưa nghe thấy tiếng lòng mình thổn thức lại bởi thứ tình cảm mộc mạc chân chất như vậy. Chiều ra ngồi bệt cửa sau nhà, gió đưa mùi nghe như ai đốt thứ gì khen khét, chợt nhớ mùi khói từ chái bếp củi ngày xưa của má.
Minh họa: Internet
Tôi theo chồng về làm dâu ở thành phố, căn bếp lát gạch men trắng tinh cùng các loại đồ dùng hiện đại. Tất cả đều xài điện. Tôi nhớ quay quắt gian bếp củi của má. Vậy là, bàn với chồng mua cây lá về cất riêng cho tôi một chái bếp đậm chất miền Tây ở bên hông nhà. Khách của chồng, cha mẹ chồng ghé thăm ai cũng trầm trồ “bếp củi giữa lòng thành thị, ngộ lắm à nghen!”. Đất sau vườn khá rộng, nhà trồng nhiều loại cây ăn trái, nên tôi tận dụng được một cự củi ở gian bếp của mình. Chặt dừa uống xong thì có vỏ dừa khô để chụm, cây thu hoạch trái xong có những cành nhỏ, tôi cũng gom lại để dành xài dần. Cho nên nhà có bếp gas, bếp từ, nhưng gian bếp củi của tôi lúc nào cũng đỏ lửa. Bởi tôi yêu cái mộc mạc, nhớ mùi khói bếp, mà cũng vừa tiết kiệm chi phí cho chất đốt trong nhà.
Tôi may mắn được sống giữa vòng tay yêu thương của mọi người, nên ngày càng nỗ lực để đáp lại tình yêu ấy. Tình thương của tôi rất đơn giản. Đó là bữa cơm gia đình chắt chiu từng món ăn, hiểu từng ý thích của mỗi người. Chái bếp củi đã mang lại động lực nấu nướng của tôi rất nhiều. Khi là ơ cá lóc kho tộ rưới miếng nước cơm tạo độ sệt tự nhiên, rắc thêm nhiều tiêu phía trên. Món cá kho ăn với cơm được nấu trên bếp củi lửa liu riu, cắn thêm miếng cơm cháy giòn rụm thì no căng bụng. Món nào cần thời gian hầm lâu, thì bếp củi là “số dách” rồi. Cơm nấu củi cũng thơm ngon hơn nồi điện, nên cuối tuần có nhiều thời gian, nhà tôi sẽ có nồi cơm nấu củi cùng tô nước cơm sền sệt ăn đỡ ghiền. Ừ thì, cuộc sống thành phố đâu có thiếu cao lương mỹ vị, nhưng hương vị quê nhà sẽ như một thứ gia vị chan vào từng bữa cơm cho thêm đậm đà. Má hay nói, đôi khi món chúng ta ăn không phải ngon vì nó được bán ở đâu, phục vụ bởi ai, mà nó ngon vì chúng ta đang ăn lại món của ký ức.
Rồi thì đâu chỉ bữa cơm với những món quê, gian bếp củi của tôi cũng làm ra nhiều món ăn mang hơi thở hiện đại: đổ bánh xèo, chiên bánh phồng tôm, làm kim chi Hàn Quốc, nướng bánh kiểu Tây… Bếp củi ngày xưa, nay tìm lại cũng không phải chuyện đơn giản. Rơm rạ từ cánh đồng sau mùa gặt đã tạo ra nhiều món ăn mà ở thành phố có muốn cũng không được.
Ai đã từng từ quê đi ra mới biết nhớ về miền ký ức như thế. Bếp củi trong câu chuyện của bà, của mẹ truyền dẫn nếp quê xưa cho lớp trẻ ngày nay, cũng trở nên sinh động. Đó là hình ảnh cô con dâu non nớt mới về nhà chồng, làm bể keo mỡ vừa thắng xong, chảo còn trên bếp củi rồi sắm vẻ mặt ngây thơ: “Con có biết đâu, tại nó nóng quá…”.
NGỌC TRÂN
- Họp mặt đồng hương Minh Hải cũ tại TP. Hồ Chí Minh
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn làm việc với Sở NN&PTNT về công tác chuẩn bị Festival nghề Muối 2025
- Kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo Việt và 28 năm thành lập Công ty Bảo Việt Bạc Liêu
- LĐLĐ huyện Đông Hải thực hiện đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra
- Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025