Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyện của lòng đam mê
Tự nguyện tìm đến với nhau, xuất phát chung niềm đam mê, và không thương mại hóa những buổi đờn ca phục vụ khách khi có yêu cầu - đó là những tiêu chí của một câu lạc bộ đờn ca tài tử (CLB ĐCTT) vừa được thành lập - CLB ĐCTT vườn sinh thái Kim Cương (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu).
Và đó cũng là tiêu chí chung của hầu hết, khi mà kim chỉ nam của các CLB này là hướng đến sứ mệnh bảo tồn một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vì yêu mà tìm đến
Trong trang phục áo bà ba, những thành viên CLB đã phục vụ nhóm khách đến với khu vườn sinh thái hôm ấy các bài “Dạ cổ hoài lang”, “Đêm nguyệt cầm”, “Cung đàn mới” và nhiều bài bản nữa. Người trình diễn thì phiêu theo dòng đam mê với tiếng đờn, lời ca. Người nghe cũng thả hồn cùng âm điệu độc đáo của ĐCTT! Không đặt nặng thù lao, anh em trong CLB này phục vụ khi khách thật sự yêu thích và muốn nghe, còn phía người được thưởng thức, tùy tâm có thể bồi dưỡng cho các anh chị theo khả năng. Bởi từ đầu thành lập CLB, anh em đã thỏa thuận mục tiêu lớn nhất là cùng nhau góp lại đam mê để bảo tồn giá trị của ĐCTT.
Nhưng cũng có một thực tế là mỗi khi cùng nhau đờn ca thì bài toán kinh tế phải hụt đi những con số thường nhật, việc kiếm thu nhập cho ngày đó coi như gác lại. Như câu chuyện của đôi vợ chồng anh Tuấn Sang, để tham gia sinh hoạt cùng anh em, vợ chồng anh phải nghỉ một ngày bán rau cải. Chúng tôi hỏi đùa: “Vậy rồi hôm nay cả nhà không ăn cơm à?”, anh chị cười: “Mình lấp vá ngày này với ngày kia thì mới đến đây toàn tâm toàn ý mà giao lưu với anh em, có đam mê thì mới đến với nhau được”.
Một số thành viên có thu nhập bằng chính khả năng ca hát của mình, như đi ca hát ở các đám tiệc, đội mai táng, cũng có một số kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ... Nhưng tựu trung lại là chung đam mê với ĐCTT, không ai đến đây để mong kiếm tiền! Bởi trong thời buổi các phương tiện nghe nhìn phát triển, nhiều loại hình văn hóa du nhập vào Việt Nam, thì nhu cầu của người nghe bao giờ cũng thấp hơn so với nguyện vọng gìn giữ của những nghệ nhân, tài tử luôn cháy bỏng tâm nguyện nối nghiệp đờn ca mà các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp trăm năm.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử vườn sinh thái Kim Cương phục vụ khách đến tham quan. Ảnh: H.Đ
Tiếp lửa cho các CLB
Lòng yêu nghệ thuật có thừa, ý thức muốn gìn giữ, bảo tồn không thiếu, thế nhưng làm sao để giữ lửa cho phong trào ĐCTT, đó là câu chuyện dài tập, dù cho Bạc Liêu có hẳn những đề án liên quan đến nghệ thuật ĐCTT, cải lương!
Bạc Liêu hiện có trên 150 CLB ĐCTT với hơn 2.000 thành viên. Thế nhưng, bao nhiêu trong số này duy trì được nhịp độ sinh hoạt đều đặn, có bao nhiêu thành viên mặn mà tham gia để có một lớp người kế thừa?!
Sự hăng hái, lửa nhiệt tình của 13 thành viên CLB ĐCTT vườn sinh thái Kim Cương sau 2 tháng thành lập và đi vào hoạt động vẫn đang còn đó. Nhưng trăn trở cho câu chuyện tương lai là điều khó tránh khỏi. Anh Tăng Ái Việt (nghệ danh Khánh Hùng) - Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Mỗi thành viên đều có công việc riêng nhưng vì đam mê, mọi người sẵn sàng bỏ một ngày làm để đến sinh hoạt. Đa số thành viên là bà con tiểu thương buôn bán, nghỉ một ngày đồng nghĩa họ sẽ không có tiền ngày đó”. Nỗi lo cơm áo cũng là trở ngại để các thành viên sinh hoạt đầy đủ và đều đặn! Không chỉ sinh hoạt để chia sẻ đam mê, mà gìn giữ và phát huy giá trị loại hình này là câu chuyện mà anh em hướng đến. Tiếp lời Chủ nhiệm CLB, ông Thái Vĩnh Thành - một thành viên khác, bộc bạch: “Sẽ còn rất nhiều việc cần làm để bảo tồn loại hình nghệ thuật này khi môi trường thực hành ĐCTT ngày càng kém hấp dẫn, cùng với đó là sự thưa dần những tài tử có nghề. Tôi cho rằng, câu chuyện đào tạo và truyền nghề rất cần được chú trọng ngay từ bây giờ”.
“Cơm áo không đùa với... hát ca”, chắc chắn là như thế! Những nghệ nhân, tài tử khi đã tuyên bố không thương mại hóa thì họ sẽ tận tâm phục vụ mà không đặt nặng thù lao. Về phía người thưởng thức, dĩ nhiên cũng gửi những khoản tiền bồi dưỡng gọi là. Thế nhưng, một nhóm với 5 - 6 thành viên, nếu bồi dưỡng nhiều thì khán giả sẽ không đủ khả năng, mà ít thì anh em cũng sẽ thiệt thòi. Đây là lúc cần lắm sự hỗ trợ của bên thứ ba: là những chính sách hỗ trợ, đầu tư, tiếp sức của Nhà nước để hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT.
Trong Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2024” do UBND tỉnh ban hành có nêu một số nhiệm vụ như: “Tạo điều kiện hỗ trợ việc duy trì sinh hoạt, giao lưu ĐCTT tại các địa phương; hỗ trợ trang thiết bị duy trì hoạt động và sinh hoạt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT cho các CLB và nhà văn hóa ở các địa phương”. Thế thì, cụ thể hóa những nhiệm vụ này chính là tiếp lửa để các CLB ĐCTT hội tụ mạnh mẽ hơn nữa lòng đam mê, tiếp thêm động lực cho câu chuyện gìn giữ và bảo tồn một di sản văn hóa quý báu trên quê hương xứ sở được mệnh danh là một trong những “chiếc nôi” quan trọng.
HẢI ĐĂNG
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024