Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyện dạy và học đờn ca tài tử
Đào tạo lớp nghệ nhân hậu duệ kế thừa cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTT) là nhiệm vụ chung rất quan trọng của những tỉnh, thành phố đang sở hữu loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Tuy nhiên, dạy và học ĐCTT cũng là câu chuyện dài có lắm điều băn khoăn.
Nghệ nhân Triệu Văn Sợi (thứ hai từ phải sang) tham gia Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022. Ảnh: C.T
CHA TRUYỀN CON NỐI
Ông Đỗ Văn Trọng (chú Sáu Trọng) nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú ở cái tuổi 87! Hơn 60 năm gắn bó nghiệp đờn ca, danh hiệu này là phần thưởng xứng đáng. Ít ai biết được rằng, ngay trong chính nhà mình, ông Sáu Trọng còn là một người thầy thành công khi bằng cách cha truyền con nối, ông đã “đầu tư” rèn giũa nên tài danh đờn kìm Đỗ Ngọc Cần - người chinh phục khá nhiều giải thưởng ở bộ môn nghệ thuật ĐCTT, cải lương và hiện là một trong những tay đờn chính của Nhà hát Cao Văn Lầu. Tiếng đờn kìm của cô bé Ngọc Cần từ lúc mới mười mấy tuổi đầu cho đến bây giờ ở tuổi hơn 40 đã gom góp rất nhiều thành tích để không phụ công cha mình - người thầy lớn trong nghề nghiệp của cô.
Ở Bạc Liêu không hiếm những gia đình truyền dạy nghệ thuật ĐCTT kiểu cha truyền con nối như vậy. Không dạy kiểu chỉn chu như ở lớp học, sự truyền dạy chủ yếu từ đam mê giữa người truyền và người “thọ giáo”. Thậm chí, thấy và nghe cha mẹ ca, đờn rồi con mê thì học lóm, thế mà cũng thành công. Có thể kể đến gia đình nghệ nhân Mai Văn Sinh (huyện Phước Long) hay gia đình nghệ nhân Triệu Văn Sợi (TP. Bạc Liêu) thôi cũng đủ minh chứng. Ở những gia đình này, gần như tất cả những người con, cháu đều biết chơi và mê ĐCTT. Mỗi khi gia đình có đám tiệc thì thầy trò, cha con lại cùng nhau gầy sòng đờn ca, trước là để gia đình có một sân chơi vui vầy, sau nữa là đối với phong trào ĐCTT của địa phương, họ chính là những hạt nhân để giữ lửa cho phong trào.
Một lớp dạy đờn ca tài tử tại huyện Hòa Bình. Ảnh: H.T
LỚP HỌC ĐCTT: KHÓ HAY DỄ?
Dạy và học một bộ môn nghệ thuật không đơn thuần là sự truyền dạy kiến thức chuyên môn, mà ở đó đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết, kể cả sự kết hợp ăn ý giữa thầy và trò. Trong Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, việc dạy và học ĐCTT có đề cập đến. Nhưng từ kế hoạch đến thực tiễn còn nhiều vấn đề nảy sinh. Các lớp dạy ĐCTT ở Bạc Liêu cũng được các địa phương quan tâm mở; tuy nhiên, để “đãi cát tìm vàng” từ những lớp học này, đào tạo học viên thành những nghệ nhân thực thụ thì không hề đơn giản.
Chuyện truyền nghề để có những lớp nghệ nhân kế thừa không chỉ trông chờ vào việc mở lớp với số lượng học viên ồ ạt mà quan trọng hơn là niềm đam mê ở chính người học. Bài toán “cơm, áo, gạo, tiền” cũng chi phối thời gian dạy và học của thầy và trò khi đa số đến với bộ môn này chỉ là nghiệp dư. Học để biết, để giao lưu ca hát và học để trở thành những nghệ nhân gạo cội giữ phong trào ở tầm chất lượng cao là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đó là trăn trở lớn nhất của phong trào ĐCTT các tỉnh, thành Nam Bộ hiện nay.
Nghệ nhân Triệu Văn Sợi (TP. Bạc Liêu) năm nay đã 70 tuổi, sức khỏe cũng giảm nhiều so với trước, nhưng niềm đam mê với nhạc tài tử vẫn vẹn nguyên. Rất nhiều lần ông liên hệ với tôi để giúp ông tìm cách “chiêu sinh” học viên. Ông muốn truyền nghề ĐCTT mà không nhận học phí, chỉ cần muốn học thì sẽ dạy. Cũng có nhiều nghệ nhân cao tuổi ở Bạc Liêu từng mở những lớp như thế tại nhà, nhưng vẫn khó đào tạo ra những nghệ nhân tiếp nối, bởi theo các nghệ nhân lão thành thì 20 bản Tổ rất khó học và cần có thời gian để học. Vẫn có học viên theo học nhưng học theo phong trào là chính, ít có ai học tới nơi tới chốn để có một đội ngũ hậu duệ thật sự am tường về ĐCTT. Cũng với tâm huyết dạy ĐCTT cho những người muốn tìm hiểu loại hình này, được biết, ông Trần Phước Thuận - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu đang có kế hoạch chiêu sinh lớp ĐCTT đầu tiên của Hội này.
Chuyện dạy và học ĐCTT gần như là chuyện của lòng đam mê. Người dạy dạy bằng đam mê và trò cũng là những người vì yêu thích mà tìm đến học. Nhưng người ta không thể bỏ nhiều thời gian, công sức để theo đuổi đam mê khi cuộc sống còn quá nhiều thứ chi phối. Thế nên, việc mở lớp dạy và học ĐCTT thiết nghĩ cũng cần có sự khích lệ bằng những chế độ đãi ngộ đặc biệt. Bên cạnh đó, những liên hoan ĐCTT nên được các địa phương mở nhiều hơn để tạo sân chơi khuấy động niềm đam mê của những người tập tành đến với ĐCTT, biết đâu trong số này sẽ tìm ra những hạt nhân mới cho phong trào ở tương lai.
CẨM THÚY
- Nông nghiệp Việt Nam lập kỷ lục mới về xuất khẩu và xuất siêu
- Tổng kết công tác Hội, phong trào phụ nữ năm 2024
- Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu: Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Nông dân vùng chuyển đổi vào vụ thu hoạch lúa
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện cơ bản đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024