Gia đình thời công nghệ số: Ứng dụng, đừng lạm dụng!

Thứ Tư, 17/07/2024 | 16:20

Mỗi người một góc ôm chiếc điện thoại chìm đắm vào thế giới riêng là hình ảnh không hiếm hoi trong nhiều gia đình hiện nay. Tuy vậy, nhìn ở mặt tích cực khác, nếu biết ứng dụng một cách thông minh thì các thiết bị số hoàn toàn có khả năng hỗ trợ cho gia đình thời công nghệ số!

Giữ lửa yêu thương từ công nghệ số

Chồng công tác ở nơi “đầu sóng ngọn gió” - một hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, chị N.T (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) giữ ấm lửa yêu thương trong gia đình nhỏ 4 thành viên của mình chủ yếu bằng những cuộc gọi video mỗi tối. Đó là những câu chuyện thường nhật như: hôm nay bé Út của ba ngoan thế nào, chị lớn giúp mẹ trông em ra sao, những bức ảnh “siêu quậy” của 2 đứa trẻ, và đôi khi có cả những nỗi mệt nhoài vì con bệnh, mẹ kiệt sức, rồi cả vợ chồng đều rưng rưng trong màn hình điện thoại động viên nhau cùng cố gắng vượt lên. Bên nhau hằng ngày qua thiết bị công nghệ được vợ chồng chị xem như cách động viên nhau vượt qua khó khăn, thử thách để chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị, vợ mỗi ngày là một sự cố gắng để cân bằng quang gánh vừa công tác vừa chăm lo chu đáo 2 đứa con, gìn giữ một mái ấm gia đình nhỏ trước cuộc sống vốn dĩ không phải lúc nào cùng bằng phẳng, an bình.

Còn nhóm Zalo của gia đình anh V.T (Phường 2, TP. Bạc Liêu) gồm những thành viên sống cách xa nhau hàng trăm cây số. Là một người trẻ, anh đã chủ động lập nhóm này để gắn kết từng thành viên gia đình với nhau. Trong nhóm, người lớn nhất là mẹ anh - là bà nội, bà ngoại của những đứa cháu trong nhà, có tất thảy 5 anh chị em của anh, người ở Bạc Liêu, người đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu... Những câu thăm hỏi như: hôm nay mẹ khỏe không, nhà cho mẹ ăn gì đó, hay những đứa cháu mới làm quen với con chữ cũng biết ngây ngô nhắn hỏi “mọi người đâu hết rồi, nhắn tin đi” cũng làm mọi người phì cười vì đứa cháu. Rồi có lần, anh V.T nuôi mẹ nằm viện ở Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, anh đã hẹn cả nhóm cùng gọi video vào một buổi tối để ai cũng có thể “gặp” mẹ. Những lời hỏi han, những chiếc hôn yêu của mấy đứa cháu làm rộn cả một góc phòng của bệnh viện. Những người cùng nằm dưỡng bệnh cứ tấm tắc khi bà có một đàn con cháu thuận thảo, quan tâm đến mẹ, đến bà mình.

Câu hát “Đường về nhà mình xa quá má ơi” có bao giờ thôi làm xót xa lòng mẹ, thổn thức tim con đối với những người mẹ già và những đứa con xa nhà. Nhưng giờ đây, nhờ có thiết bị thông minh, sống thời công nghệ số, đôi khi khoảng cách xa xăm đó hóa gần hơn. Những khoảng cách trăm ngàn cây số thu lại thật gần trong chiếc màn hình điện thoại, máy tính để những lời hỏi han, thăm chúc làm ấm lòng người mẹ, an ủi đứa con xa nhà rằng mẹ vẫn luôn ở bên mình...

“Rời xa” các thiết bị thông minh đúng lúc, tình cảm gia đình sẽ được gắn kết nhiều hơn. Ảnh: H.T

Công nghệ số - “con dao hai lưỡi”

Mẫu gia đình truyền thống Việt Nam bao đời nay là nơi gắn kết yêu thương, là chiếc tổ ấm mà ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi đó là nơi các thành viên có thể trải lòng một cách thoải mái nhất, chia sẻ cùng nhau tâm tư tình cảm. Không có toan tính, vụ lợi, hơn thua, nên gia đình mãi mãi là điểm tựa tin yêu, nhất là trong lúc có “sóng gió”!

Ở những gia đình mà nhiều thành viên phải sống xa nhau do điều kiện, hoàn cảnh thì công nghệ số giúp kết nối họ lại với nhau. Thế nhưng, cũng có gia đình, dù những thành viên ở “sát một bên” nhưng chính công nghệ số lại đẩy họ xa nhau. Đó là hình ảnh mỗi người một thế giới như đầu bài đề cập. Chúng ta không ít lần bắt gặp hình ảnh cả gia đình cùng ngồi ăn cơm nhưng mỗi người ôm một chiếc điện thoại, không ai nói gì với ai. Thỉnh thoảng, người này còn không bắt nhịp được câu chuyện người kia vừa nói, do mãi chú ý vào câu chuyện trên chiếc điện thoại! Những buổi tối đúng lý phải trò chuyện quây quần, thì mỗi người nằm một góc với chiếc điện thoại đến khi đi ngủ mới chịu buông!

Và hiện tượng nghiện mạng xã hội nhắc lại ở đây sẽ thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mất thôi! Theo một thống kê, trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và YouTube nhiều nhất thế giới - Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9! Mạng xã hội với những tiện ích sẽ hỗ trợ người dùng trong việc cung cấp thông tin, kết nối mối quan hệ..., nhưng không thể phủ nhận rằng, đôi khi cũng chính mạng xã hội lại làm mối quan hệ của các thành viên trong gia đình trở nên nhạt nhẽo, cách xa, khi nó bị lạm dụng! Không ít người hời hợt với mối quan hệ thực tại, kề bên để “khắng khít” với thế giới mênh mông trên mạng xã hội bằng những lời ngọt ngào, sự quan tâm gửi qua... con chữ, hình ảnh (đôi khi ảo) thời công nghệ số.

Cha lướt điện thoại xem bóng đá, cười một mình với đoạn TikTok hài hước; mẹ lướt các trang livestream bán hàng, bình luận những bài viết trên Facebook, Zalo của bạn bè; con thì cắm mắt vào màn hình điện thoại với những trò chơi trực tuyến, hoặc quay những đoạn clip rồi đăng lên TikTok, và cũng không ít hiện tượng nghiện mạng xã hội, nghiện game của trẻ nhỏ do thiếu sự kiểm soát của người lớn mà báo chí đã nói rất nhiều... Tất cả là do người ta lạm dụng công nghệ số, thay vì sử dụng một cách thông thái hơn để nó phát huy tính năng giữ lửa hạnh phúc trong mỗi mái ấm gia đình.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.