Văn hóa - Nghệ thuật
Nặng lòng với đất mặn
Đó là đất làm muối! Đất mặn vì muối và mặn bởi những giọt mồ hôi của đời diêm dân. Nặng lòng vì có những người yêu nghiệp lắm nhưng mà đành từ bỏ cái nghề cha ông bao đời để lại, bởi ngán ngẩm những mùa muối đắng.
Và vì nặng lòng nghĩ cho đời diêm dân mà có người chưa từng biết đến ruộng muối, phải cất công đến tận nơi để trả lời câu hỏi: vì sao đời diêm dân mặn vì hạt muối?
GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí (thứ tư, từ phải sang) tiếp xúc, trao đổi với diêm dân ở ấp Gò Cát (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Ảnh: C.T
Mặn đời diêm dân
“Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”, trồng lúa, cày ải bao nhiêu công đoạn để làm ra hạt lúa trắng ngần đã vất vả thì cái nghề đem nước biển kết tinh thành hạt muối dường như càng vất vả bội phần! Đâu chỉ đổ mồ hôi mà còn có cả máu của đôi chân bị muối mặn “ăn” dần mòn qua bao năm tháng bám nghiệp. Chính vì nghề muối vất vả, đời diêm dân nhọc nhằn nên bên cạnh những gia đình làm muối 3 - 4 thế hệ thì cũng có nhiều người rất yêu nhưng phải bỏ nghề!
Đất có, nghề có, con người có, nắng có, nước biển có mà muối vẫn phải nhập khẩu?! Nước ta hiện mỗi năm nhu cầu cần khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn muối trong khi lượng muối trong nước chỉ cung khoảng 740.000 tấn… Rất nhiều ruộng muối trên phạm vi cả nước đang bỏ hoang hóa. Nhiều diêm dân phải bỏ xứ để tìm nghề khác, không phải họ không bám nghiệp cha ông mà do nghề không đủ nuôi sống bản thân. Đó là tình cảnh rất đau lòng! Dự báo trong 10 năm tới, lượng muối tăng lên 1,8 triệu tấn/năm, nếu diêm dân cứ tiếp tục bỏ nghề thì lượng muối nhập khẩu còn lớn nữa... Nhận thấy những bất cập đó, câu hỏi xung quanh nghề muối và nỗi lo cho đời diêm dân đã được Giáo sư - Anh hùng lao động (GS-AHLĐ) Nguyễn Anh Trí (thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội) đề cập nhiều lần ở nghị trường Quốc hội, gần nhất là trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng mình vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng! Theo GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí, nguyên nhân là do chưa có sự gặp gỡ giữa các cấp lãnh đạo với nhau và giữa các cấp lãnh đạo với diêm dân!
Và thế là vị ĐBQH TP. Hà Nội đem băn khoăn đó mà mục sở thị trên đồng muối Điền Hải (huyện Đông Hải) của Bạc Liêu, nơi nghề muối đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Diêm dân xã Điền Hải (huyện Đông Hải) thu hoạch muối.
Tìm tương lai cho nghề muối
Nhận lời mời từ UBND tỉnh về Bạc Liêu với tư cách là khách mời đặc biệt tham dự một số sự kiện trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022, GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí đã kết hợp thực hiện một chuyến gặp gỡ, đi thực tế tại ruộng muối thuộc ấp Gò Cát (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Ông gọi đó là buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về diêm dân: gặp gỡ diêm dân để hiểu thêm nghề muối, và cũng là để tìm ra những điểm nghẽn, khó khăn của nghề mà qua nhiều lần chất vấn vẫn chưa tìm được câu trả lời cụ thể, rõ ràng. Tại sao nhiều diêm dân phải từ giã nghề muối, đất nước ta phải nhập khẩu muối hằng năm trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể tự lực làm muối với những cái có như trên đã đề cập?! Cùng với ông Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bạc Liêu và một số cán bộ huyện Đông Hải, GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí đã đem câu hỏi này đến tận ruộng muối ở ấp Gò Cát và trao đổi trực tiếp với nhiều diêm dân bản địa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Nguyễn Trọng Hán phân tích rằng, nếu muối bán ra từ 2.000 đồng/kg trở lên thì nhiều diêm dân đã cải thiện được đời sống và thậm chí là làm giàu, nhưng hiện tại giá muối chỉ ở mức 1.000 đồng/kg. Nhiều mùa vụ, giá còn tụt thê thảm hơn, điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa” thì thường trực, trong khi còn bao nhiêu khó khăn khác bủa vây diêm dân. Trút cạn nỗi niềm với vị ĐBQH đến từ thủ đô, diêm dân Trần Văn Công cho biết cái khó là đa số bà con không có nhà kho để chứa muối, rồi công vác, đường giao thông để xe đến chỗ thu mua cũng gặp khó, phần lớm bà con không có vốn để đầu tư cho công nghệ làm muối trải bạt, trong khi đây là cách làm hiệu quả...
Lắng nghe để phân tích tìm ra điểm nghẽn, GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí cho rằng phải đầu tư công nghệ, tìm chuyên gia cho nghề muối! Ông so sánh rất dễ hiểu: công nghệ làm muối không thể phức tạp hơn công nghệ y khoa, chữa bệnh, cấy tế bào gốc được. Cho nên, nếu thiếu công nghệ thì mình phải đi mua, còn thiếu chuyên gia thì hoàn toàn có thể mời chuyên gia để phát triển nghề muối... Và sau khi tìm hiểu, ông chốt lại một số vấn đề, đó là cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, tìm đầu ra, tìm thị trường cho hạt muối, cần có một cái nhìn tổng thể, những người có tầm nhìn tổng thể cho tương lai nghề muối!
Sản phẩm muối Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
“Được nhìn ruộng muối ngút tầm mắt nơi đây, được gặp gỡ nói chuyện với những diêm dân ở đây mới hiểu hết cái mênh mông, cái nhọc nhằn của nghề muối; mới thấy hết những vướng mắc rất cụ thể của nghề muối, mới thấy được sự gắn bó của diêm dân nơi này với nghề muối; và cả tương lai vĩnh hằng của nghề làm muối. Những hiểu biết đó rất cần thiết để tôi làm giàu thêm hiểu biết của mình và hết sức bổ ích cho tôi khi có ý kiến về diêm dân, về nghề làm muối, về một nền công nghiệp muối ở Bạc Liêu nói riêng và ở Việt Nam nói chung ở các diễn đàn của Quốc hội. Tôi tin chắc, muối có linh hồn vì muối góp phần làm nên và duy trì cuộc sống của con người. Tôi tin rằng, nếu có những điều chỉnh hợp lý, đầu tư đúng và quyết tâm cao thì nghề muối Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đời sống diêm dân sẽ hết khổ và sẽ trở nên giàu có”. Đây là suy nghĩ của GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí về nghề muối, về đời diêm dân mà theo chúng tôi, đó là góp thêm hiến kế cho tương lai của nghề muối ở Việt Nam nói chung, và riêng đối với Bạc Liêu còn là nghề di sản phi vật thể cấp quốc gia!
Đây là lần thứ 4 GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí về thăm Bạc Liêu. Một trong những chuyến đó, ông đã gửi lại cho Bạc Liêu ý tưởng về một bức phù điêu mang hình tượng người liệt sĩ, người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Tư được xây dựng và đặt trên mảnh đất Vĩnh Hưng (người mẹ cho con bú giọt sữa cuối cùng trước khi bị địch bắn, nhân vật trong bài vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn)! Và chuyến này, những tâm tư, nguyện vọng của diêm dân trên đồng muối cũng được ông gom góp lại để tiếp tục nối dài câu chuyện đem hạt muối lên bàn nghị sự!
CẨM THÚY
- Hơn 300 học sinh TP. Hồ Chí Minh tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
- TX. Giá Rai: Đánh giá, phân hạng 5 sản phẩm OCOP năn 2024
- Đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND: Kiểm tra tình hình sạt lở và thực hiện các dự án trên địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi
- Đối thoại với nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn
- 4 cây me trăm tuổi trên đường Bà Triệu đã được di dời