Nhà hát Cao Văn Lầu - Vị thế mới!

Thứ Tư, 12/04/2023 | 15:31

Năm 2014, khi vừa hoàn thành, 2 công trình văn hóa của Bạc Liêu đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) quyết định công nhận đạt danh hiệu Kỷ lục Việt Nam. Đó là “Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu” (gọi tắt là Nhà hát Cao Văn Lầu) có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam và “Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất, biểu tượng văn hóa tỉnh Bạc Liêu”.

Mới đây, Nhà hát Cao Văn Lầu tiếp tục được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022”.

Vẻ đẹp của Nhà hát Cao Văn Lầu nhìn từ trên cao. Ảnh: H.T

Sắc thái văn hóa từ ba chiếc nón lá

Mang hình ảnh ba chiếc nón lá nổi bật giữa lòng TP. Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu mang nét đẹp không chỉ ở góc độ kiến trúc mà còn hàm chứa bản sắc văn hóa độc đáo, cả chung lẫn riêng. Nói về ý nghĩa chung và bao quát, ba nón lá là biểu trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước Việt Nam. Ba chiếc nón lá với tầng ý nghĩa này khi chụm vào nhau là biểu trưng cho thế đứng vững vàng “vững như kiềng ba chân” như dân tộc Việt Nam vốn là khối đại đoàn kết từ trong truyền thống lịch sử xa xưa. Về sắc thái riêng trên xứ sở bản “Dạ cổ hoài lang”, đó chính là cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa cùng chung tay đoàn kết từ thời mở đất cho đến hiện tại và tương lai.

Nón lá còn là biểu trưng cho nét đẹp của người phụ nữ Nam Bộ. Nón lá che mưa, che nắng cho người phụ nữ trên đồng, nón lá tất tả cùng chị em ra chợ, nón lá dịu dàng song hành cùng tà áo dài Việt Nam. Nón lá bình dị mà đẹp lạ kỳ trong nhiều bức ảnh đời thường và nghệ thuật. Chiếc nón làm nên nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ - Việt Nam đã tỏa nét đẹp trên một công trình văn hóa Bạc Liêu!

Với quy mô và những điều hàm chứa, Nhà hát Cao Văn Lầu trở thành một trong những công trình tiêu biểu cho văn hóa Bạc Liêu! Tháp tùng đoàn du lịch lữ hành tham quan công trình này, anh Nguyễn Văn Tới - Giám đốc Công ty xuất khẩu sơn mài Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh), bày tỏ: “Đúng là một công trình có thiết kế quá đẹp! Đây phải nói là tài sản để Bạc Liêu làm du lịch. Bởi du khách bây giờ đi du lịch ngoài mục đích thưởng ngoạn các di tích, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về văn hóa xứ sở…, còn muốn lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng bên những địa điểm mang tính đặc thù ở mỗi nơi đến. Nhà hát là điểm check-in tuyệt vời khi đến với Bạc Liêu”.

Một công trình “có thiết kế quá đẹp” như lời anh Tới, cũng là cảm nhận chung của nhiều du khách. Người viết khẳng định điều này khi chứng kiến nhiều đoàn xe của những hãng du lịch lữ hành hoặc xe tham quan của gia đình dừng chân tại đây và du khách phấn khích chụp cho nhau những bức ảnh đẹp bên Nhà hát Cao Văn Lầu cùng với Quảng trường Hùng Vương cạnh đó.

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Tiềm năng rộng mở

Những bức ảnh được du khách check-in, dĩ nhiên sau đó đã gây sức hút ít nhiều trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ chia sẻ đây là một trong những điểm đáng đến khi về với Bạc Liêu. Trên thanh công cụ tìm kiếm Google, gõ cụm từ “Nhà hát ba nón lá Bạc Liêu” sẽ nổi lên khá  nhiều thông tin liên quan, trong đó có những bài viết quảng bá điểm đến của các tạp chí du lịch như một sự xác nhận khách quan: đây là điểm đến du lịch lý tưởng ở Bạc Liêu!

Ngoài thu hút bởi nét đẹp thuộc về thẩm mỹ kiến trúc, Nhà hát Cao Văn Lầu còn được Bạc Liêu quan tâm phát huy công năng bằng chính những hoạt động diễn ra tại đây. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, năm 2019, bằng cách xã hội hóa vận động tài trợ, Nhà hát Cao Văn Lầu đã dàn dựng những chương trình nghệ thuật và tổ chức biểu diễn vào tối thứ Bảy hằng tuần phục vụ khán giả yêu thích sân khấu cải lương (SKCL). Những vở cải lương kinh điển như “Bên cầu dệt lụa”, “Phạm Lãi biệt Tây Thi”, “Đêm lạnh chùa hoang”... cùng nhiều vở mang sắc thái huyền thoại, truyền thuyết với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, tài năng như Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh, Giang Tuấn, Anh Chàng, Vĩnh Sơn, Diễm My, Thúy Ái... đã cho khán giả Bạc Liêu (và nhiều du khách dừng chân nghỉ đêm) cảm nhận sức sống mới của SKCL, khi cải lương nhiều nơi rơi vào lặng lẽ! Hai trong nhiều mục tiêu mà “Đề án phát triển nghệ thuật SKCL tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025” đề ra là: xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm nghệ thuật SKCL của khu vực và SKCL Bạc Liêu trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Phát huy công năng của Nhà hát Cao Văn Lầu dĩ nhiên là một trong những giải pháp quan trọng. Ngoài ra, ý tưởng đầu tư một sân khấu thực cảnh (chương trình văn nghệ có sự phối hợp về âm thanh, ánh sáng, đạo cụ hiện đại và bối cảnh ngoài trời công phu tạo hiệu ứng thực cảnh) để hướng đến sản phẩm du lịch kết nối với các công ty du lịch lữ hành cũng đã được ngành Du lịch Bạc Liêu nhen nhóm. Một chương trình sân khấu thực cảnh tái hiện hành trình khai khẩn đất đai, quá trình chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa chắc chắn sẽ là một sản phẩm du lịch đặc biệt.

Và, tin vui Nhà hát Cao Văn Lầu được bình chọn vào “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” của Việt Nam đã tiếp tục nối dài câu chuyện làm du lịch bằng vị thế mới của công trình đặc biệt này!

CẨM THÚY

Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262m2 được chia làm ba khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất 24,25m, đường kính nón lớn nhất 45,15m, mái được làm bằng tấm composite đúng như màu chiếc nón lá.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.