Văn hóa - Nghệ thuật
Nhớ chị Lâm Như
Là người “ngoại đạo”, không trong nghề báo, song tôi nghĩ: hạnh phúc làm nghề của người làm báo không hẳn chỉ là đóng góp cho xã hội những sản phẩm báo chí..., mà còn là truyền cảm hứng góp phần làm nên “định hình” quan trọng cho một, hay một vài, hoặc một số cá nhân cụ thể nào đó. Như câu chuyện tôi sẽ kể ngay đây, bên thềm “tết nghề” của các anh, các chị, các bạn làm báo.
Nhà báo Lâm Như - phóng viên Đài Phát thanh Minh Hải, với các em học sinh lớp 10, Trường PTTH Bạc Liêu, năm học 1984 - 1985 (thành viên đội trống thiếu nhi dự trại hè U Minh). Ảnh: T.L
Năm đó chị Lâm Như 20 tuổi, có lẽ thuộc nhóm phóng viên trẻ nhất của Đài Phát thanh Minh Hải. Được phân công tác nghiệp tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Minh Hải hè năm 1984, chị gắn bó với Đoàn đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ TX. Bạc Liêu suốt cuộc hành trình. Gắn bó bởi nhiều lẽ lắm, trong đó có lý do Lâm Ngọc Diệp - em gái của chị, là thành viên trong đoàn.
Ngày ấy, phương thức tổ chức trại thiếu nhi rất hấp dẫn. Tiếp nối các hoạt động thuộc “phần lễ” là một chuyến “trại bay”, từ TX. Cà Mau vào rừng U Minh, một trải nghiệm vô cùng thú vị. “Bùm bùm bùm. Chách bùm, chách chách chách chách bùm. Chách bùm chách chách chách chách bùm, chách chách...”, đội trống thiếu nhi ra sức khua vang các bài trống Đội; con tàu ngày càng tiến sâu vào rừng tràm… Trên boong, chị Như lạnh cóng vì mưa ướt, vậy mà vẫn bám sát Đội trống tụi tôi. Hơn đứa lớn nhất trong nhóm tụi tôi 4 tuổi, nhưng ngó chị cũng sàn sàn trang lứa tụi tôi thôi hà. Vậy nên bữa nọ chị bị thầy Hồng - cán bộ Phòng Giáo dục thị xã, la: “Em lớn hơn các bạn, sao em không gương mẫu gì hết vậy? Mấy bạn làm đủ thứ, em không làm gì, em không gương mẫu gì hết vậy!”. Há há. Sau này, mỗi dịp gặp và “tám” chuyện, chị Như hay nhắc chi tiết này lắm.
Trại hè kết thúc, năm học mới của tụi tôi cũng bắt đầu. Nhập trường một hôm, tôi nhận được thư chị. Vậy rồi, suốt năm học ấy, chị Lâm Sang, em gái chị Như, học trên tôi hai lớp, đảm nhận “sứ mệnh bồ câu đưa thư” của hai chị em tôi. Kèm thư là cuốn sổ nhỏ chị tặng, ghi rằng: “Bạc Liêu 05091984. Nhân dịp năm học mới - chị có một món quà nho nhỏ cho T. Gửi đến T nhiều tình cảm và niềm tin của chị. Hãy xứng đáng trong năm học “mở màn” ở trường Trung học - T nhé. Thương yêu. Chị Như”. Rồi chị vào trường thăm nhóm Đội trống tụi tôi. Rồi thư đi, tin lại… Chuẩn bị thi đại học, tôi hỏi, chị viết thư, định hướng cho tôi rất cặn kẽ... Hai mươi năm tôi công tác ở Tỉnh đoàn Minh Hải, Tỉnh đoàn Bạc Liêu, chị là người đã “mời gọi, rủ rê” tôi cộng tác với Câu lạc bộ tuổi trẻ, với Chuyên mục thanh niên… do chị phụ trách. Chị động viên, khích lệ và truyền cảm hứng khi tôi viết bài cộng tác… Hè năm 1986, không biết bằng cách nào, chị đọc được bài phóng sự điều tra về Hợp tác xã nông nghiệp Trà Khứa (Phường 8, TX. Bạc Liêu) của tổ tôi, thú thật do tôi được giao chấp bút. Đọc “sản phẩm tốt nghiệp” ấy của Lớp tập huấn nghiệp vụ viết báo cho cộng tác viên của Báo Minh Hải, chị viết thư nói hãy cố gắng lên nhe, chị rất vui khi đọc bài báo. Chị là người hướng dẫn tôi từng li từng tí làm quen với cách đọc kịch bản, với phòng bá âm, với ống kính nhà đài… Suốt những năm tháng ấy, chị luôn khích lệ tôi kịp lúc. Với tôi, đó là điều may mắn.
Lần ấy, tôi làm MC cho một sự kiện của Tỉnh đoàn Minh Hải có chị dự và tác nghiệp. Sự kiện kết thúc, chị gửi tôi bài thơ ghi vội (ghi vội nhưng chữ rất đẹp): “Ngày nào em còn quàng khăn đỏ/ Mặt ngây ngô như thỏ/ Vỗ trống “tưng tứng từng...”/ Bây giờ em tôi đứng đó/ Vững vàng, điềm đạm, tự tin/ Đáng yêu, duyên dáng, trữ tình/ Trong vai chàng “dẫn chương trình số một”/ Em thông minh tỏa sáng một góc riêng/ Lung linh không bao giờ phai nhạt…/ Ngắm nhìn em, bao yêu thương lẫn lộn/ Càng mong em khẳng định mình hoài/ Thơ chắp thành vần viết vội tặng em/ Chú nhỏ ngày xưa quàng khăn, ôm trống/ “Vỗ tưng tứng từng”...”. Tôi biết chị đã quá chiếu cố, động viên tôi! Nhưng sao cảm động lạ lùng!
Chị dõi theo mỗi bước đi của “chú nhỏ ngày xưa quàng khăn, ôm trống” suốt những tháng năm chú nhỏ ấy công tác ở những vị trí việc làm lúc nọ, lúc kia. Luôn là người chị ân cần, ấm áp; mà cũng lại nghiêm cẩn, thẳng băng... Đôi khi còn “cực đoan” nữa chứ! Vậy, mới đúng là chị Lâm Như chứ!
Nhà báo Lâm Như, sáng 21/6/2021, tại nhà riêng, trước khi vào bệnh viện. Ảnh: N.H.T
Cận sinh nhật chị năm ấy, hay tin về sức khỏe của chị, “chú nhỏ ngày xưa quàng khăn ôm trống” nhắn tin mời chị đi cà phê. Chị nhắn lại: “Chế với ai kia hết tình hết nghĩa rồi, khỏi mừng ngày kỷ niệm hay mừng ngày sanh nhật gì hết. Ha”. Bèn đáp trả: “Sao chế hớt tình hớt nghĩa với “ai kia” sớm vậy/ Trong khi Đờn kìm vẫn ngân nga Dạ cổ hoài lang/ Nắng Bạc Liêu vẫn óng ánh sắc vàng/ Muối Ba Thắc vẫn đậm tình xứ sở... À, hay là chế đã có “ai đó” rồi chăng?!”. Chị Như “phản pháo” cái rầm: “Chế thấy nhạt tình thì chế đổ ngập nước cho nó lạt tát luôn. Dị đi”. Nhưng “chú nhỏ ngày xưa quàng khăn ôm trống” cũng đâu có vừa: “Em thường tới bữa quên ăn/ Nửa đêm thức giấc/ Bụng thì théc méc/ Nước mắt đầm đìa/ Long thể đã ổn hay chưa/ Dung nhan, thần sắc đã vừa rồi đa!/ Biết nhau từ thuở cấp ba/ Thương nhau tự thuở đậm đà thanh niên/ Chuyên đề, chuyên mục, chuyên... “chuyên”/ Đồng cam cộng khổ con thuyền U Minh/ Nhà báo chị trẻ, đẹp, xinh/ Thằng em uýnh trống “tứng từng tứng tưng”/ Trải bao lịch sử biến thiên/ Chuyện đời trầm tích tạo miền tin yêu/ Đã là thủ thỉ bao điều/ Đã là trao gửi xíu xiu tấc lòng/ Cuộc đời, trời biển mênh mông/ Phận người, hạt cát ở trong thiên hà/ Qua bao thỏ lặn ác tà/ Biết rằng tình chế mặn mà như xưa/ Thôi thì lục bát buổi trưa/ Vài câu đến chế, xem như giấy mời/ Cà phê ngon lém chế ời/ Không uống là phí một thời xuân xanh/ Hồi âm, thằng nhỏ nó trông/ Nó đợi, nó ngóng, nó mong á mà/ Tình người, khi đã thiết tha/ Lạt như nước ốc, chế nghe đó giờ…”… Lại còn phải “giao đãi” hằng mấy “kí-lô-mét tin nhắn” nữa kia. Sau đó hai hôm, hai chị em đã có một buổi cà phê DOIDEP xuyên trưa.
Sáng 21/6/2021, tặng hoa, chụp hình chị trước lúc đi theo bé Sim (con gái chị Như) và gia đình đưa chị vô bệnh viện. Tối, chưa thấy gửi hình, sư tỷ nhắn tin: “Nhớ gửi hình cho chế! Chụp xấu quá rồi ém phải hông?”. Không ngờ, tấm hình chị bên giỏ hoa mà “chú nhỏ ngày xưa quàng khăn ôm trống” cố tình chọn loại hoa lan, chọn màu hoa trắng bữa ấy lại là tấm hình cuối cùng “chú nhỏ” chụp chị, người thầy đầu tiên của “chú nhỏ” trong nghiệp cộng tác với báo chí; với ống kính nhà đài; cùng cung cách phát hiện vấn đề, quan sát sự việc theo mắt nhìn của người làm báo, dù “chú nhỏ”, như đã nói - là người “ngoại đạo” với báo giới.
***
Chị ạ, trước khi ngọn lửa hóa thân đưa chị về cõi vĩnh hằng, em đã thầm nói: Chuyện ngày xưa của chị nhà báo mới vào nghề với nhóm thiếu nhi trong rừng tràm U Minh Hạ, bằng ngòi bút nghiệp dư từng được chị rèn cặp, em sẽ viết.
Em đọc được câu: “Người thầy bình thường nói suông. Người thầy giỏi giảng giải. Người thầy giỏi hơn chứng minh. Người thầy xuất sắc truyền cảm hứng. Muốn truyền cảm hứng, thì người truyền cảm hứng, trước hết, cần có cảm hứng, tạo nên năng lượng tích cực, biết cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực luôn đeo bám mỗi người chúng ta hằng ngày, hằng giờ… Nhiều dẫn chứng cho thấy, trên cả trí thông minh, kiến thức tốt hay kỹ năng thuần thục, chính trí tuệ cảm xúc, tình yêu thương, lòng trắc ẩn mới là yếu tố quyết định sự thành công ở mỗi người”.
Chị, người truyền cảm hứng cho em ngay từ những ngày tháng ấy.
Nguyễn Huy Thái
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU
- Hơn 200 cán bộ, giáo viên mầm non được bồi dưỡng năng lực giáo dục quyền con người
- Tận dụng, phát huy nguồn lực thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu
- Tuổi trẻ An ninh kinh tế: Xung kích, tình nguyện tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác giải phóng mặt bằng