Những người đam mê giữ điệu múa dân tộc Khmer

Thứ Sáu, 05/07/2024 | 17:17

Trong văn hóa dân tộc Khmer có nhiều điệu múa truyền thống độc đáo thuộc các loại hình như dân gian, nghi lễ, sân khấu mà ngày nay vẫn được lưu truyền phổ biến trong cộng đồng. Đó là thành quả từ việc truyền dạy của thế hệ đi trước và kế thừa của thế hệ hôm nay, qua những lớp học múa được đứng lớp bởi những người con đam mê với điệu múa dân tộc.

Truyền lửa đam mê

Tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn thi vào các trường đại học, cao đẳng với các chuyên ngành khác nhau thì chị Thạch Thị Ngọc Phượng (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) quyết tâm theo đuổi đam mê loại hình sân khấu sân dân tộc Khmer nên chọn ứng tuyển vào Nhà hát Cao Văn Lầu (thuộc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu). Vốn là con nhà nòi, niềm đam mê trong chị được mẹ ươm mầm, nuôi dưỡng, vun đắp từ thuở nhỏ. Sau thời gian công tác tại Nhà hát Cao Văn Lầu tích lũy được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, nhận thấy mình có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ, chị mạnh dạn mở lớp dạy múa Khmer tại nhà. “Tiếng lành vang xa”, lớp học của chị không chỉ được sự ủng hộ của gia đình mà còn nhận được lời mời về dạy tại các chùa Nam tong Khmer, cộng tác với Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm (thuộc Tỉnh đoàn Bạc Liêu) hướng dẫn các điệu múa Khmer.

Diễn viên Thạch Thị Ngọc Phượng chỉnh từng động tác múa cho các em.

Lớp học múa của chị Phượng chủ yếu dành cho các em thiếu nhi, khi tham gia các em được dạy từ các điệu múa đơn giản, sau đó đến phức tạp, cần sự uyển chuyển hơn. Điệu múa sinh hoạt đầu tiên được hướng dẫn là Răm vông hay còn gọi là múa lâm thôn, có nghĩa là múa vòng tròn. Tiếp theo là múa Lăm leo, còn gọi là múa Lào - điệu múa có phần sôi động, rộn rã về tốc độ và các động tác. Ngoài ra còn có điệu múa sôi động Saravan… Mỗi điệu múa có những đặc điểm trình diễn khác nhau, đều được chị ân cần chỉ dẫn, uốn nắn từng động tác, phân tích từng cử chỉ cho các em và khuyến khích, tạo điều kiện để các em tham gia nhiều hội thi, hội diễn nhằm trau dồi kỹ năng đồng thời tăng thêm đam mê, động lực theo đuổi bộ môn này.

Sau nhiều năm mở lớp, đến nay lớp học múa của Thạch Thị Ngọc Phượng vẫn nhận được những lời mời về biểu diễn tại các chùa vào những ngày lễ đặc trưng văn hóa Khmer. Không dừng lại ở lớp học tại gia hay các điểm cộng tác, mỗi khi có dịp biểu diễn cùng Nhà hát Cao Văn Lầu đến các vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chị lại tập hợp các em nhỏ địa phương dạy những bước cơ bản của các điệu múa Khmer truyền thống.

Dạy múa và dạy chữ

Cùng đam mê với chị Phượng, nhận thấy giới trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật múa truyền thống, vào dịp hè chị Sô Phi - giáo viên Trường tiểu học A Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) lại mở lớp dạy miễn phí các điệu múa Khmer tại chùa Mouni Serey Sophol (ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) mỗi chiều chủ nhật. Chị nỗ lực, dành nhiều tâm huyết hướng dẫn các em từng động tác tay, chân, lưng,... để có thể truyền tải được “cái hồn” qua từng điệu múa, giải thích ý nghĩa từng động tác, tạo hình nhân vật trong điệu múa.

Ngoài dạy múa, chị còn trực tiếp đứng lớp dạy chữ Khmer các ngày trong tuần cho các em đến học. Mỗi buổi học, chị Sô Phi khéo léo lồng ghép nhiều câu chuyện kể mang đặc trưng văn hóa dân tộc, giảng giải từng nhân vật, từ đó tạo được sự thích thú cung cấp thêm kiến thức cho các em. Từ thành quả ban đầu, lớp học của chị nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ lớn về mặt tinh thần lẫn vật chất của người dân, Ban quản trị và Trụ trì chùa với mong muốn lớp học được duy trì thường xuyên. Trong tương lai, đây sẽ là nơi lưu giữ, truyền dạy văn hóa Khmer cho thế hệ trẻ của huyện Phước Long.

Cô giáo Sô Phi dạy ngữ văn Khmer dịp hè 2024 tại chùa Mouni Serey Sophol (ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long).

Chia sẻ về lớp học của mình chị Sô Phi cho biết: “Tôi mở lớp với mong muốn truyền dạy những kiến thức của bản thân đến thế hệ trẻ, để các em thêm yêu văn hóa dân tộc, cùng lưu truyền đến thế hệ sau.”

Từ tâm huyết của nhiều thế hệ, tiêu biểu là những người trực tiếp truyền dạy như diễn viên Thạch Thị Ngọc Phượng và cô giáo Sô Phi mà ngày nay, loại hình múa dân gian Khmer vẫn được lưu truyền rộng rãi trong phum, sóc. Vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, khi tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển,hòa mình vào những điệu múa tập thể,tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng. 

Bài, ảnh: Thanh Mai

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.