Triển lãm “Nữ chiến sĩ giao liên miền Nam”: Khắc họa chân dung phụ nữ mưu trí kiên cường

Thứ Hai, 21/09/2020 | 18:47

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2020), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu thực hiện trưng bày chuyên đề “Nữ chiến sĩ giao liên miền Nam”. Gần 200 hiện vật và ảnh tư liệu kể lại lịch sử bằng hình ảnh với những câu chuyện khắc họa sự hy sinh và đóng góp to lớn của những nữ chiến sĩ ngoan cường.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Triển lãm chuyên đề “Nữ chiến sĩ giao liên miền Nam”. Ảnh: N.T

Trong những năm tháng hào hùng của đất nước cùng ra trận, khi “Tiền tuyến ra sức tiến công” thì “Hậu phương hết lòng chi viện”. Người phụ nữ Việt Nam gánh trên vai sứ mệnh 3 đảm đang bước vào cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc. Họ tham gia vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước theo phương châm “hai chân - ba mũi” đóng góp sức mình vào các lĩnh vực chính trị, vũ trang, binh vận. Trong đó, đội ngũ những nữ giao liên tổ chức đưa, đón cơ sở và cán bộ hoạt động bí mật, thu nhận tài liệu và cả vận chuyển lương thực, vũ khí. Có thể nói, công tác giao liên là một nhiệm vụ nguy hiểm không khác gì chiến đấu trực diện trên chiến trường. Do đặc thù của giới nên phụ nữ đi lại dễ dàng, ít bị dò xét hơn nam giới, vì vậy mà phát huy được thế hợp pháp. Những nữ chiến sĩ giao liên có mặt ở khắp mọi nơi: trong lòng địch, trong Nhân dân, trên những chiến hào, tạo thành mạng lưới giao liên từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở trong suốt những năm tháng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tuổi thanh xuân của các mẹ, các chị trải dài theo những cánh rừng, con suối, nơi chiến trường đầy khói lửa. Họ là huyết mạch giao thông giữa chiến trường, vùng ven đô và nội thành. Những nữ chiến sĩ sử dụng mọi vật dụng hàng ngày để làm dụng cụ liên lạc, chuyên chở thư từ văn bản mật. Tại triển lãm, chiếc bóp đầm, cơi đựng trầu, chiếc giỏ xách đi chợ, cho đến ruột xe tải được bà Nguyễn Thị Hảo (Bảy Rau Muống) sử dụng để làm nơi cất giấu vũ khí, chất nổ chôn dưới hầm để chuẩn bị cho chiến sĩ biệt động đánh vào Dinh Độc lập trong tết Mậu Thân 1968… vẫn còn nguyên vẹn. Đằng sau những công việc bình dị ấy, là những cống hiến, những hy sinh thầm lặng, nhưng không kém phần quan trọng của các nữ chiến sĩ giao liên. Sự hy sinh đó đã góp phần viết nên 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Bác Hồ đã trao tặng.

Chuyên đề trưng bày “Nữ chiến sĩ giao liên miền Nam” giới thiệu đến khách tham quan những đóng góp to lớn của những người phụ nữ dù không cầm súng chiến đấu trực tiếp ngoài mặt trận, nhưng nhiều lúc còn nguy hiểm hơn vì phải đối diện với kẻ địch. Không chỉ gan dạ, dũng cảm mà các chị em còn phải mưu trí, khôn khéo mới qua mặt được lớp lớp tình báo mật vụ của địch. Điển hình như các nữ chiến sĩ giao liên An ninh T4 đã dùng xe lam chở các loại chất nổ được gói trong bánh tét, ngụy trang bên trên là rau quả hay bỏ trong thùng đựng hèm rượu… Nguy hiểm hơn là việc đóng giả sĩ quan ngụy, sử dụng xe Jeep mang biển số quân đội của địch vượt qua các trạm gác đưa khí giới vào Sài Gòn an toàn của bà Phan Ngọc Đoàn (Chín Hà), Tổ trưởng giao liên của Tiểu ban điệp báo, là nữ giao liên gan dạ, thông minh và có nhiều “mưu mẹo” đối phó với địch; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hữu (Sáu Trung) - một trong những chiến sĩ giao liên ngoại tuyến hoạt động len lỏi trong lòng địch, năng động sáng tạo đưa tài liệu tuyệt mật, đưa đón cán bộ lãnh đạo đi công khai và về Trung ương Cục an toàn. Bà làm giao liên cho Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, tuy nhiều lần bị xét hỏi nhưng đều qua mặt trót lọt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo…

Gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại khối nhà B thuộc Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu đã góp phần khắc họa rõ nét hoạt động của những nữ chiến sĩ giao liên miền Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thông qua đó để nhắc nhớ về một thời kỳ miền Nam “gian lao mà anh dũng” của biết bao người con ưu tú đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Hiển Linh, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, chia sẻ: “Tôi mong rằng trong thời gian tới, giữa 2 đơn vị sẽ còn có thêm nhiều hơn nữa các hoạt động phối hợp, giao lưu văn hóa có ý nghĩa, để người dân Bạc Liêu có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo của đất nước nói chung, cũng như của phụ nữ Nam Bộ nói riêng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Triển lãm diễn ra một tháng kể từ ngày khai mạc (từ 19/9 - 19/10). Thiết nghĩ, các trường học, tổ chức đoàn thể nên tạo điều kiện để học sinh, sinh viên, đoàn viên… đến tham quan. Đây là cách thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, nhân lên tinh thần tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, để thế hệ hôm nay ra sức thi đua làm giàu đẹp quê hương, xứng đáng với hy sinh của những người đi trước.

Ngọc Trân  

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.